La Vita Nuova
Giới thiệu tác phẩm
Cuộc đời mới (tiếng Ý: La
Vita Nuova) được Dante Alighieri viết trong các năm 1283 – 1293. Đây là một tác
phẩm viết về tình yêu theo phong cách prosimetrum – bao gồm cả thơ và văn xuôi
xen kẽ. Ngoài ra, tác phẩm này còn là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất
viết bằng tiếng Ý (mà không phải tiếng Latin) – Cuộc đời mới đã góp phần
giúp hệ thống hóa các phương ngữ Toscana trong việc viết theo tiêu chuẩn Ý.
Cuộc đời mới gồm 42 chương
ngắn với lời bình, lời giải thích cho 25 bài sonetto, 1 bài ballada, 4 bài
canzone và 1 bài canzone còn dở dang vì cái chết của Beatrice Portinari, tình
yêu suốt đời của Dante.
Dante diễn giải mỗi bài thơ, đặt
chúng trong bối cảnh của cuộc đời mình. Các bài thơ trong tác phẩm gồm có 3
phần: những câu chuyện ngắn bán tự truyện, những bài thơ trữ tình được Dante xuất
khẩu thành thơ nhờ hoàn cảnh và các bài luận ngắn về các bài thơ.
Các bài thơ kể về tình yêu của
Dante đối với Beatrice từ cái nhìn đầu tiên (khi Dante lên 9 tuổi và Beatrice
lên 8 tuổi) cho đến khi nàng từ giã cõi đời và sự quyết tâm của Dante viết về “cái
điều mà chưa bao giờ có ai từng nói như vậy về một người phụ nữ”. Mỗi phần
riêng biệt của bài bình luận tiếp tục phát triển khái niệm về tình yêu lãng mạn
của Dante như là bước đầu tiên trong sự phát triển tâm linh dẫn đến một tình
yêu thần thánh. Cách tiếp cận khác thường của Dante dựa trên kinh nghiệm cá
nhân và các sự kiện, cách xưng hô với độc giả để tạo ra một tác phẩm bằng tiếng
Ý chứ không phải tiếng Latinh, tất cả những điều này là một bước ngoặt trong
thơ ca châu Âu, khi mà nhiều nhà thơ khác đã từ bỏ hình thức cách điệu cao
thượng và đi theo phong cách đơn giản.
Dante muốn tập hợp và xuất bản các
bài thơ tình dành cho Beatrice, giải thích bối cảnh của chúng và chỉ ra cấu
trúc bình phẩm của mỗi bài thơ nhằm trợ giúp để đọc một cách kỹ lưỡng. Mặc dù
kết quả là một bước ngoặt trong sự phát triển của cuốn tự truyện tình cảm (bước
tiến quan trọng nhất kể từ Confessions của Thánh Augustine trong thế kỷ
thứ 5), giống như tất cả văn học thời Trung Cổ, Cuộc đời mới khác xa so
với tự truyện hiện đại. Tuy nhiên, Dante cùng với bạn đọc của mình đã quan tâm
đến cảm xúc của tình yêu cao thượng và việc chúng được phát triển ra sao, làm
thế nào để chúng được thể hiện trong thơ, làm thế nào để chúng tiết lộ những
chân lý trí tuệ thường trực của thế giới do Chúa tạo ra và làm thế nào tình yêu
có thể trao lời cầu nguyện cho linh hồn và làm cho nó được gần gũi hơn với
Chúa.
Tên của những nhân vật trong tác
phẩm, bao gồm cả Beatrice, không sử dụng tên họ hoặc bất kỳ chi tiết nào khác
để có thể giúp cho người đọc nhận ra họ trong dân chúng Firenze. Chỉ có tên
“Beatrice” được sử dụng, bởi vì đó vừa là tên thật vừa là tên biểu tượng của
cô. Cuối cùng, tên và những nhân vật trong tác phẩm được dùng qua phép ẩn dụ.
Có truyền thuyết cho rằng: Cuộc đời
mới là tự truyện giống như một “lời xưng tội” được viết ngay bên mộ của
Beatrice.
Trong chương XXIV, Io mi senti'
svegliar dentro a lo core (Tôi nghe ra trong tim đang thức tỉnh) Dante gặp với
Tình yêu (hay Amor) và Tình yêu đề nghị nhà thơ hãy làm tất cả những gì tốt đẹp
nhất để tôn vinh Tình yêu.
Tôi nghe ra trong tim đang thức
tỉnh
Hồn của Tình yêu trong đó ngủ mê
Sau đó Tình yêu tôi thấy từ xa
Rất mừng vui, nhưng mà tôi nghi
lắm.
Tình nói rằng: “Để thời gian cúi
xuống
Trước mặt ta…” – và nghe thấy
tiếng cười
Nhưng mà tôi chỉ nghe chúa tể
thôi
Chỉ một người đôi mắt tôi hướng
đến.
Cô nương Vanna, cô nương Bice
Là hai người tôi thấy khi gần
lại
Và ở đây có một sự diệu kỳ
Khi trong ký ức của tôi giữ lại
Tình yêu nói rằng: “Đây là
Primavera
Còn đây – Tình yêu, ta giống như
người ấy”.
Dante không nêu tên mình trong La
Vita Nuova. Ông đề cập đến Guido Cavalcanti là “người bạn đầu tiên của tôi”,
em gái của mình như một “cô nương trẻ và cao thượng…” là “người có quan hệ bà
con thân thuộc”, anh trai Beatrice tương tự như một “người bà con gần gũi với
cô nương của tôi”. Người đọc cảm thấy như được tham dự vào câu chuyện tình cảm
của tác giả không nêu tên và những người xung quanh trong câu chuyện.
Cuộc đời mới là tác phẩm cần thiết
cho sự hiểu biết về các tác phẩm khác của Dante, mà đặc biệt là Thần khúc.
Trong phần này của cuốn
sách kỷ niệm của tôi chỉ một số trang có thể đáng đọc, có tựa đề là: “Incipit vita nova: Cuộc đời mới bắt đầu”
Theo tựa đề này tôi tìm ra những lời đã viết mà tôi
có ý định thuật lại trong cuốn sách nhỏ này, nếu không được tất cả, thì ít ra
là ý nghĩa của chúng.
I
Đã chín lần, kể từ khi tôi
sinh ra, bầu trời hầu như quay lại chỗ ban đầu trong vòng quay của mình, khi
trước mắt tôi lần đầu tiên xuất hiện người con gái quang vinh của lòng tôi,
nhiều người vẫn gọi tên nàng là Beatrice mà không biết rằng cần phải gọi tên
nàng như vậy. Nàng đã có mặt ở cuộc đời này, khi đó bầu trời sao di chuyển về
phía đông thêm một trong mười hai phân độ: nàng hiện ra trước mắt tôi trong
buổi đầu năm thứ chín của cuộc đời tôi, còn tôi nhìn thấy nàng ở đoạn cuối năm
thứ chín của cuộc đời tôi. Nàng trước mặt tôi mặc quần áo màu hồng, khiêm
nhường và đúng mực, sắc phục tương xứng với tuổi trẻ của nàng.
Ở đây tôi thành
thực xin nói rằng Linh hồn Cuộc sống từ sâu thẳm trái tim tôi bắt đầu rạo rực
trong từng đường gân thớ thịt và thốt lên những lời: “Ecce deus fortior me, qui veniens dominabitur mihi: Thượng Đế mạnh
hơn tôi, Người đi đến nhận lấy quyền sai khiến tôi”. Ở đây Linh hồn Thú vật ngự
trị phần trên, nơi tình cảm thu nhận tri giác của mình, trở nên kinh ngạc và
hướng về Linh hồn Thị giác nói những lời: “Apparuit
iam beatitudo vestra: Đã hiện ra niềm hạnh phúc của ngươi”. Ở đây Linh hồn
Thiên nhiên, nơi cung cấp dinh dưỡng, bắt đầu khóc lóc và thốt ra những lời: “Heu miser, quia, frequenter impeditus ero
deinceps!: Khổ thân tôi, vì rằng phía trước sẽ thường xuyên gặp điều trở
ngại!”.
Kể từ đây về
sau, tôi nói rằng Tình yêu đã ngự trị tâm hồn tôi, Tình yêu có quyền lực và sức
mạnh mà sự tưởng tượng của tôi trao gửi và tôi đành phải thực hiện tất cả mọi
mong muốn của tình. Rất nhiều lần tình ra lệnh cho tôi tìm gặp thiên thần trẻ
trung này, vì rằng thời thơ ấu tôi vẫn đi tìm nàng, và tôi để ý thấy rằng hình
dáng và phong thái của nàng rất cao thượng, quả là có thể dùng lời của nhà thơ
Homer để nói về nàng: “Nàng có vẻ như con gái không phải của người trần, mà
thần thánh”. Và dù hình bóng nàng thường xuyên ở bên tôi, trao cho tình sức
mạnh để sai khiến tôi nhưng với những phẩm chất cao thượng, rằng đã nhiều lần hình
bóng này không cho phép tình yêu cai trị tôi mà thiếu lời khuyên của lý trí,
một khi những lời khuyên tương tự có ích để mà lắng nghe.
Nhưng nếu tôi
giữ lâu trong tình cảm và hành động của tuổi trẻ như thế thì câu chuyện của tôi
thành ra bày đặt, bởi thế tôi bỏ qua điều này và bỏ qua nhiều thứ có thể lấy ra
từ đó để đi đến những lời được ghi trong những chương tiếp theo của ký ức tôi.
II
Thời gian trôi
qua đã bấy nhiêu ngày, tròn chín năm kể từ ngày Người con gái cao thượng nhất
nói trên xuất hiện, vào ngày cuối cùng của những ngày này người đẹp tuyệt vời
hiện ra trước mắt tôi trong bộ áo quần màu trắng, giữa hai người đẹp thanh cao
khác, những người này lớn tuổi hơn nàng. Khi đi trên đường nàng nhìn về nơi tôi
đứng một cách rụt rè và với thái độ nhã nhặn nàng cúi chào tôi, còn tôi khi đó
cứ ngỡ như đang nhìn thấy tận cùng của hạnh phúc. Thời khắc của cái cúi chào
ngọt ngào ấy chính xác vào chín giờ, và bởi vì lần đầu tiên những lời của nàng
bay đến tai tôi nên tôi cảm nhận được vị ngọt tựa hồ như ngất ngây, tôi từ giã
mọi người về phòng riêng của mình và bắt đầu suy nghĩ về Con người lịch sự
nhất.
III
Và trong suy nghĩ về nàng có một giấc mơ ngọt
ngào vây lấy tôi, trong giấc mơ này hiện ra một điều kỳ diệu: tôi có vẻ như
nhìn thấy trong phòng mình một đám mây màu lửa, sau đám mây này tôi nhận ra
hình dáng một người đàn ông nào đấy, vẻ ngoài của người này ai nhìn thấy sẽ vô
cùng sợ hãi. Người đàn ông này có vẻ rất vui mừng và trong lời của mình người
này nói nhiều điều nhưng tôi chỉ hiểu được ít, trong những lời này tôi hiểu: “Ego dominus tuus: Ta là chúa tể của
ngươi”. Trên tay người này dường như có một sinh vật trần truồng đang ngủ được
phủ một tấm vải mỏng, hình như có màu hồng. Ghé nhìn rất chăm chú, tôi nhận ra
Người đẹp, người mà một ngày trước đó đã cúi chào tôi. Còn trong một bàn tay
của người này có vẻ như đang giữ một vật gì đó cháy lên và tôi ngỡ như người
này nói với tôi những lời: “Vide cor tuum:
Hãy nhìn vào trái tim mình”. Sau khi đứng yên một lát, người này dường như thức
cô gái đang ngủ dậy, đưa ra một lý lẽ đầy sức mạnh để bắt nàng nuốt cái vật
đang cháy ở trên bàn tay kia, và cô gái sợ hãi nuốt vào. Sau một thời gian, vẻ
vui nhộn của người này trở thành tiếng khóc cay đắng. Vừa khóc, người này vừa
nâng người đẹp trên tay rồi cùng với nàng có vẻ như bay vào trời xanh. Tôi cảm
thấy vô cùng sợ hãi, giấc mơ yếu ớt của tôi không chịu nổi đã bị cắt đứt – và
tôi tỉnh giấc. Ngay lúc đó tôi bắt đầu suy ngẫm và nhận thấy rằng cái giờ mà
tôi trong mơ nhìn thấy là giờ thứ tư của đêm ấy, từ đó rõ một điều rằng đấy là
giờ đầu tiên trong chín giờ cuối cùng của đêm.
Suy nghĩ kỹ về
điều thấy trong mơ tôi quyết định thông báo cho những người hát rong nổi tiếng
của thời ấy. Vì tôi đã bắt đầu để ý học cách làm thơ nên tôi quyết định viết
một bài thơ mà trong đó tôi chào mừng tất cả những người chung thủy của Tình
yêu và đề nghị họ giải thích về giấc mơ của tôi. Tôi giãi bày cho họ những gì
tôi thấy trong giấc mơ của mình và bắt đầu bài thơ bằng những lời: “A
ciascun´alma presa e gentil core: Hồn ai say…”
Thơ
của tôi hiện ra trước mắt ai
Ý
nghĩ sâu xa ai nói ra lời
Vì
tên gọi Tình yêu – tôi chào đón.
Hai
chục phút, khi hành tinh xuất hiện
Tỏa
hào quang và kết thúc đường mình
Trước
mắt tôi Tình yêu bỗng hiện lên
Thật
khủng khiếp khi lòng tôi nhớ đến.
Tình
đi trong hoan hỉ, và trên tay
Giữ
trái tim tôi, còn trong tay ấy
Có
một nàng Trinh Nữ ngủ rất say.
Tình
cho nếm mùi khi nàng thức dậy
Từ
trái tim – và cuống quít, rối bời
Trong
nước mắt, Tình biến mất sau đấy.
Bài sonetto
này chia làm hai phần: ở phần thứ nhất tôi chào đón và đề nghị câu trả lời; ở
phần thứ hai, tôi chỉ ra điều cần trả lời. Phần thứ hai bắt đầu thế này: “Hai
chục phút…” Có nhiều người trả lời bài thơ này và theo nhiều vẻ khác nhau,
trong số này có một người tôi gọi là đầu tiên trong những người bạn của tôi;
người này viết bài thơ bắt đầu bằng câu: “Anh thấy đấy, tôi mơ màng, tất cả rất
hoàn mỹ…”
Và diều này có vẻ như là sự bắt đầu của tình bạn chúng tôi, khi người
này hiểu rằng tôi đã gửi bài thơ cho anh ấy. Ý nghĩa thật của giấc mơ kia, khi
đó chưa ai biết, còn bây giờ thì đã rõ ràng và chất phác.
IV
Kể từ khi nhìn thấy, Linh hồn Thiên nhiên của tôi
trở nên khó nhọc làm việc của mình, vì tất cả tâm hồn trao hết cho suy nghĩ về
Người con gái cao thượng nhất; vì rằng trong phút chốc tôi trở nên yếu đuối và
uể oải, rằng nhiều người bạn lấy làm buồn phiền cho dáng vẻ của tôi, một số
khác thì ganh tỵ, muốn biết cái điều mà tôi giấu mọi người. Còn tôi, nhìn ra âm
mưu nham hiểm trong những câu hỏi mà người ta hỏi tôi, hỏi ý chí của Tình yêu,
theo lời khuyên của lý trí, đã trả lời họ rằng Tình yêu đang ngự trị tôi; tôi
gọi là Tình yêu bởi vì tôi mang trên gương mặt của mình quá nhiều những dấu
hiệu của tình yêu mà không thể nào che giấu được. Khi người ta hỏi tôi: “Tình
yêu bắt ngươi đau khổ vì ai?…” – thì tôi cười, nhìn họ và không trả lời gì cả.
V
Một lần, Người
con gái cao thượng nhất ngồi ở nơi có những lời vang lên về Nữ hoàng của vinh
quang thì tôi cũng ở nơi để có thể nhìn thấy niềm hạnh phúc của mình; còn ở giữa
tôi và nàng, theo một đường thẳng, có một người trinh nữ với vẻ mặt rất dễ chịu
thường xuyên ngó nhìn tôi, lấy làm ngạc nhiên với ánh nhìn của tôi, bởi thế mọi
người nhìn thấy ánh mắt của nàng.
Và có nhiều
người để ý nên khi tôi rời chỗ, nghe những lời nói sau lưng: “Xem kìa, người
đẹp làm cho chàng trai kia đau khổ”. Và khi họ gọi tên nàng, tôi nghe những lời
về người con gái ở giữa đường thẳng, bắt đầu từ người con gái cao thượng nhất
Beatrice và kết thúc ở trong đôi mắt tôi. Khi đó tôi rất bình tĩnh và tin rằng,
ngày ấy, vẻ bí mật của tôi chưa lộ ra qua vẻ bên ngoài.
Và ngay lập tức
tôi nghĩ rằng cần phải làm cho người con gái này trở thành thứ lá chắn để giấu
đi sự thật. Trong thời khắc tôi đã làm được điều này và số đông những người nói
về tôi đã biết điều bí mật này. Tôi tránh gặp người này mấy năm để cho những
người khác thêm tin tưởng, tôi đã viết tặng nàng mấy bài thơ liền nhau, nhưng
sau đấy tôi có ý định thể hiện những lời của mình về Beatrice và chỉ để ca ngợi
nàng.
VI
Tôi nói rằng khi
người con gái này che chở cho tôi bằng một tình yêu mạnh mẽ thì tôi có mong
muốn nhắc tên người con gái cao thượng nhất cùng với tên những cô nương khác;
tôi lấy tên sáu mươi cô nương đẹp nhất của thành phố, nơi nàng sinh ra theo ý
của Đức Chúa Trời, và tôi viết bằng thể thơ serventeza mà tôi sẽ không
truyền đạt; tôi có lẽ đã không nhắc đến, nếu đã không cần thiết nói rằng có một
điều kỳ diệu xảy ra là trong số tên các cô nương kia thì cô nương của tôi không
thuộc về con số nào khác ngoài con số chín.
VII
Cô nương mà tôi có được sự che chở cho
điều ao ước trong một thời gian dài kia phải đi đến một nơi xa; bởi thế tôi sợ
đánh mất sự che chở tuyệt vời đã khiến tôi đau khổ mà trước đó tôi chưa hề biết
được. Và tôi nghĩ rằng nếu tôi không nói về chuyến đi đau buồn thì mọi người sẽ
nhận ra vẻ giả vờ của tôi, bởi thế tôi quyết định viết một bài thơ; tôi sẽ
truyền đạt nó, vì rằng cô nương của tôi là nguyên nhân trực tiếp của nhiều lời
trong bài thơ này, và người ta sẽ nhận ra nếu hiểu nó. Và tôi viết bài thơ bắt
đầu như thế này: “O voi che par la
via: Hỡi những ai với tình yêu trong đời..”
Hỡi những ai với
tình yêu trong đời
Xin
hãy lắng tai nghe và hãy nói
Nỗi
đau nào bằng đau đớn của tôi?
Quả
thực tình yêu theo chuỗi tháng ngày
Xin
hãy tha thứ cho điều ước muốn
Mà
những ngày qua đã rất hào phóng
Với
những lời tôi nghe được bên tai:
“Hãy
nhìn xem kìa, phải chăng số phận
Ban
cho anh ta niềm vui suốt cuộc đời?”
Nay
ở đâu rồi âu yếm vỗ về tôi?
Ai
trả cho tôi tình yêu cao thượng?
Tôi
mòn mỏi đợi chờ
Trước
tương lai cúi xuống.
Ai
đem niềm khát khao giấu diếm
Vì
xấu hổ, sự bố thí không mong –
Gương
mặt tôi luống cuống
Và
buồn đau, thổn thức trong lòng.
Bài thơ này có
hai phần chính: ở phần đầu tôi kêu gọi Tình yêu chung thủy bằng những lời của
nhà tiên tri Jeremiah, nói rằng: “O vos omnes qui transitis per viam,
attendite et videte si est dolor sicut meus: Hỡi những ai bước đi trên
đường đời, hãy lắng nghe và hãy nhìn xem có nỗi đau khổ nào như đau khổ của
tôi”, và cầu xin để họ rủ lòng thương mà nghe tôi; phần thứ hai – tôi kể rằng
từ đâu mà tình xuất hiện trong tôi, nhưng với một nghĩa khác, không phải như
hai phần đầu và cuối của bài thơ, và tôi nói rằng tôi đã đánh mất nó. Phần thứ
hai bắt đầu bằng những lời: “Amor non gia..: Quả thực tình yêu…”
VIII
Sau khi cô nương
cao thượng ra đi thì vị chúa tể của những thiên thần gọi về vinh quang của mình
một cô nương nào đấy trẻ trung và có dáng vẻ rất cao quý, người được yêu mến ở
thành phố nói trên; tôi nhìn thấy thân thể nàng nằm bất động giữa những cô
nương đang khóc lóc đau khổ. Tôi bỗng nhớ lại, có một lần tôi từng thấy nàng đi
cùng cô nương cao thượng nhất, tôi đã không cầm được dòng nước mắt và tôi quyết
định nói đôi lời tưởng nhớ người mà tôi từng nhìn thấy đi cùng cô nương của
mình. Vì thế, ai đọc phần cuối những lời tôi đã nói sẽ hiểu; tôi viết hai bài
thơ, một bài bắt đầu bằng: “Piangete, amanti..: Tình trong nước mắt..”,
còn bài thứ hai: “Morte villana...: Cái chết dữ dằn…”
Tình trong nước mắt; ai
yêu – khóc với Tình!
Nỗi
buồn tình yêu nặng nề không thể tả
Giữa
những người đẹp Tình yêu nức nở
Và
tôi nhận ra tiếng khóc của Tình.
Cái
chết dữ, với nghiệt ngã của mình
Mang
tàn úa đến cho con tim trẻ
Và
lấy đi vẻ yêu kiều tuyệt mỹ
Chỉ
một lời “không được!..” cứ kêu lên.
Giờ
Tình yêu tỏ ra nghe cái chết
Tôi
nhìn ra: Tình nức nở, bồi hồi
Tình
cúi mình trên tro tàn vẻ đẹp.
Và
thường xuyên ánh mắt hướng lên trời
Nơi
linh hồn đang dạo chơi hạnh phúc
Trên
mặt đất nhìn thấy trong niềm vui.
Bài thứ nhất chia làm ba phần: ở phần một – tôi kêu
gọi tất cả những ai chung thủy với Tình yêu hãy khóc và nói rằng vị chúa tể
khóc than về họ, rằng “nỗi buồn tình yêu nặng nề không thể tả”, họ cần nói rằng
cần phải nghe tôi; ở phần hai – tôi nêu nguyên nhân này; ở phần thứ ba – tôi
nói về niềm vinh dự mà Tình yêu mang đến cho cô nương. Phần hai bắt đầu: “Amor
sente: Giữa những người đẹp…”; phần ba: “Audite: Giờ Tình yêu…”
Cái chết dữ dằn,
kẻ thù của đau khổ
Mẹ
của nước mắt và của tiếng kêu than
Vị
quan xét xử cay nghiệt, chẳng xót thương
Đốt
con tim bằng nỗi buồn tưởng nhớ!
Trong
sự suy tư của phiêu bạt tha phương
Ta sẽ không ngừng đem mi
ra nguyền rủa.
Chính
vì thế mà ta không kín kẽ
Bài
ca của ta sẽ nói những lời ta
Rằng
mi là nguyên nhân cái ác và đau khổ
Cứ
để mặc thế gian biết ra sự thật là
Cái
sự thật chính nó là tội lỗi
Vì
ai không hề biết đến tình ta.
Vẻ
dịu dàng từ cuộc đời mang ra
Tuyệt
vời hơn trong con người cao cả
Và
ở trong chàng trai vô tư lự
Niềm
vui với tình đã vội bay xa.
Cái
chết ra sao, ta chẳng mở ra
Những
đường nét – trong bài ca ngắn ngủi
Với
đời muôn thuở là tên phản bội
Thân
xác diệu kỳ nó chẳng nhận ra.
Bài thơ này chia làm bốn phần: ở phần một tôi gọi
cái chết bằng những cái tên của nó; ở phần hai – tôi nói cùng cái chết, nêu ra
cái nguyên nhân khiến tôi nguyền rủa nó; ở phần ba – xỉ vả nó; ở phần bốn – tôi
nói với một nhân vật không cụ thể, tuy vậy tôi vẫn biết rõ. Phần thứ hai bắt
đầu bằng: "poi che hai data..: Đốt con tim…”; phần thứ ba: “E
s’io di grazia..: Chính vì
thế…”; phần thứ tư: "Chi non merta salute..: Với đời muôn thuở là tên phản bội…”
IX
Mấy ngày sau cái chết của cô nương này có một điều
làm tôi đi khỏi thành phố nói trên và đi đến nơi cô nương cao thượng, người đã
từng che chở cho tôi, mặc dù con đường của tôi không xa bằng nơi nàng ở. Và,
mặc dù có vẻ tôi cùng nhiều người, cuộc du hành tôi thấy khó chịu, những tiếng
thở dài luống cuống vì con tim cảm thấy cách xa niềm hạnh phúc của mình.
Và bỗng nhiên vị chúa tể ngọt ngào nhất điều khiển
tôi vì những đức tính của cô nương cao thượng nhất, tôi hình dung ra trong vẻ
của một người đồng hành, mặc quần áo nhẹ nhàng may bằng thứ vải thô. Người này
có vẻ phiền muộn và nhìn xuống đất, chỉ thỉnh thoảng có vẻ nhìn dòng suối trong
suốt, chảy nhanh và tuyệt đẹp chảy bên con đường mà tôi đi.
Tôi ngỡ rằng người bạn đường – Tình yêu nhìn sang
tôi và nói những lời sau: “Tôi từ cô nương mà nhiều ngày là sự che chở của anh,
tôi biết rằng ít nữa nàng sẽ trở về; và con tim mà tôi buộc anh trao cho nàng,
tôi vẫn mang theo, sẽ là sự che chở cho anh như người trước đây”. Người này gọi
tên nên tôi biết rõ. “Tuy nhiên, nếu anh nghĩ rằng truyên đạt lời gì đó mà tôi
đã nói với anh thì hãy truyền đạt sao cho khéo tình yêu mà anh cần hướng tới
nàng”.
Nói xong những lời này, hình bóng kia biến mất khỏi
mắt tôi, vì thế tôi ngỡ rằng Tình yêu đã trao cho tôi một phần lớn. Một chút
đổi thay trên nét mặt, tôi tiếp tục lên đường trong cái ngày này trầm tư và
thường xuyên thở dài. Một ngày sau tôi bắt đầu viết bài thơ bắt đầu bằng: “Cavalcando".
Một buổi chiều
tôi rong ruổi trên đường
Trong
mỏi mệt đường xa và đau khổ
Trên
đường ấy tôi với Tình gặp gỡ
Người
lữ hành mặc chiếc áo giản đơn.
Giống
như người cần gì đó với nhau
Tôi
cứ ngỡ vẻ ngoài rất tội nghiệp
Người
thổn thức và vội bàn chân bước
Trước
người quen như cúi xuống mái đầu.
Nhìn
thấy tôi, người nói: “Xin giã biệt
Đến
muôn đời tôi về chốn xa xăm
Nơi
con tim ngươi phụng sự áng chừng
Vì
bây giờ phụng sự niềm vui khác…”
Nghe
những lời trên tôi thấy ngại ngùng
Rồi
người biến mất, tôi không biết được.
Bài thơ này có
ba phần: ở phần thứ nhất tôi kể rằng tôi đã gặp gỡ Tình yêu và ngỡ tình ra sao; ở phần thứ hai kể rằng
Tình đã nói gì với tôi, mặc dù không phải tất cả vì sợ mở ra điều bí mật; ở
phần thứ ba nói về Tình đã biến mất ra sao. Phần thứ hai bắt đầu bằng: “Quando
mi vide..: Nhìn thấy tôi…”;
phần thứ ba: “Allora presi..: Nghe
những lời…”
X
Sau khi trở về
tôi đi tìm cô nương mà vị chúa tể đã gọi tên cho tôi trên con đường thổn thức,
nhưng để cho câu chuyện của tôi ngắn hơn, tôi chỉ nói rằng trong một thời gian
ngắn tôi đã biến nàng thành sự che chở cho mình, rằng nhiều người hiểu điều này
ngoài giới hạn của sự nhã nhặn mà tôi nhiều lần đã trầm tư suy nghĩ. Vì nguyên
nhân này, nghĩa là vì sự xúc phạm mà người ta đồn đại về tôi, khiến người cô
nương cao thượng nhất khi đi trên phố đã từ chối tôi bằng cái cúi chào ngọt
ngào nhất, là tất cả hạnh phúc của tôi. Và để phần nào sáng tỏ điều bây giờ tôi
đang nói, tôi muốn giải thích rằng cái cúi chào của nàng đã làm cho tôi hạnh
phúc biết nhường nào.
XI
Tôi nói rằng:
khi nàng xuất hiện bất kể từ phía nào thì niềm hy vọng về cái cúi chào xua đi
tất cả mọi cái xấu trong tôi và làm đốt lên ngọn lửa của từ bi, bắt tôi tha thứ
cho những ai đã xúc phạm đến tôi. Và nếu như người ta hỏi tôi điều gì khi đó
thì câu trả lời của tôi chỉ có một: “Tình yêu…” – và gương mặt của tôi đầy vẻ
nhún nhường.
Và khi gần
khoảnh khắc của sự cúi chào, linh hồn của tình yêu xua đuổi những linh hồn
khác, xua đuổi những linh hồn yếu đuối của thị giác và nói rằng: “Hãy đến và
tôn vinh danh sự cô nương” – còn tôi đứng yên tại chỗ. Và giá như ai đó muốn
nhận thức tình yêu, thì người này có thể làm được điều này khi nhìn vào đôi mắt
run rẩy của tôi.
Khi cô nương cao
thượng nhất cúi chào, Tình yêu không chỉ không cản trở một niềm hạnh phúc bao
trùm lấy tôi mà còn ngọt ngào đến mức thân thể của tôi như chịu sự sai khiến
của nàng, khi đó cử động có vẻ như một vật gì đó rất nặng nề và buồn tẻ. Từ đó
rõ ràng một điều rằng trong cái cúi chào của nàng là niềm hạnh phúc của tôi và
rất nhiều lần vượt quá sức lực của tôi.
XII
Bây giờ, trở lại
với đối tượng của câu chuyện, tôi xin nói rằng sau khi niềm hạnh phúc của tôi
bị từ chối thì có một nỗi buồn thương làm cho tôi chạy trốn mọi người để trút
dòng nước mắt cay đắng, sau khi dòng nước mắt đã vơi bớt, tôi đi về phòng của
mình, là nơi tôi đau khổ mà không sợ ai nghe thấy. Ở đây tôi cầu xin lòng
thương của cô nương và thốt lên: “Tình yêu ơi hãy giúp người chung thủy!” – và
tôi thiếp đi trong nước mắt giống như đứa trẻ bị đòn.
Trong giấc ngủ,
có vẻ tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ trong nhà mình, ngồi gần bên, mặc áo
quần màu trắng, nhìn với vẻ trầm tư và nói những lời: “Fili mi, tempus est
ut praetermittantur simulacra nostra: Con ơi, đã đến lúc chia tay với những
cái giả vờ”. Khi đó tôi ngỡ là tôi biết người này vì đã nhiều lần gọi tôi, tôi
thấy người này có vẻ khóc và đợi câu trả lời của tôi, thế là tôi lấy can đảm và
nói: “Vị chúa tể cao thượng ơi, tại sao ngươi khóc?” Và người này trả lời tôi:
“Ego tanquam centrum circuli, cui simili modo se habent circumferentiae
partes: tu autem non sic: Ta giống như tâm điểm của vòng tròn, cách xa
những phần bên; ngươi không giống như vậy”.
Khi tôi suy nghĩ
về những lời trên thì tôi ngỡ rằng người này trả lời rất mờ ảo, bởi thế, tôi
buộc phải nói những lời sau: “Sao thế, vị chúa tể của tôi, ngươi trả lời tôi
rất mờ ảo?” – thế là người này trả lời bằng lời thông thường: “Đừng hỏi nhiều,
chẳng lẽ có ích gì cho ngươi”. Tôi trò chuyện với người này về cái cúi chào mà
tôi bị từ chối và hỏi về nguyên nhân thì được trả lời: “Beatrice của chúng ta
nghe người ta nói rằng cô nương mà ta đã nói với ngươi trên con đường thổn thức
đã giận ngươi, bởi thế Cô nương – người trái ngược với những điều khiếm nhã
không hạ cố đoái hoài đến sự chào đón của ngươi, e ngại bị rơi vào tình thế bất
lịch sự. Vì rằng nàng có thể biết điều bí mật của ngươi vì đã biết ngươi từ
lâu, nên ta muốn ngươi viết một bài thơ kể về sức mạnh của ta đối với ngươi
thay vì nàng và rằng ngươi đã thuộc về nàng từ ngày thơ ấu. Để chứng kiến cho
điều này, ngươi hãy gọi người biết chuyện và hãy nói rằng ngươi nhờ người ấy
báo cho nàng biết. Vì rằng ta là người chứng kiến như vậy nên ta sẵn lòng giải
thích để nàng biết mong muốn của ngươi và hiểu ra những lời đàm tiếu. Lời thơ
ngươi hãy viết sao cho có vẻ hơi vòng vo một chút mà không nói thẳng trực tiếp
với nàng, và không qua ta, ngươi chớ gửi đi đâu, những nơi mà nàng có thể nghe
thấy, trang điểm lời thơ sao cho ngọt ngào để như mọi lần, khi ta cần đến”.
Nói xong những
lời này, người kia biến mất – và giấc mơ của tôi đứt quãng. Tôi nhớ lại những
điều mơ thấy trong giờ thứ chín của ngày và quyết định trước khi ra khỏi phòng
mình, viết một bài ballata, trong bài thơ này sẽ thể hiện những điều mà vị chúa
tể đã ra lệnh cho tôi, bài ballata bắt đầu bằng “Ballata i’ voi…”
Bài Ballad, hãy
đi tìm Tình yêu
Với
Tình yêu trình diện cùng người đẹp
Để
nàng sẽ nghe ra, trong câu hát
Chúa
tể với nàng hãy nói đôi điều.
Ngươi
hãy dịu dàng, đằm thắm, yêu kiều
Rằng
ngươi chỉ một mình, không bè bạn
Ở
khắp nơi dám đương đầu nguy hiểm
Nhưng
nếu con tim lo âu
Hãy
lên đường cùng với Tình yêu.
Vì
cho kẻ mà ngươi mang tin đến
Ta
biết rằng có điều chi thù hận
Nếu
ngươi chỉ đến một mình
Có
thể nàng không nghe lời cầu khẩn.
Ngươi
hãy đến và reo vui, sung sướng
Rồi
hãy lặng im khi đứng trước nàng
Hãy
gắng van vỉ và cầu xin:
“Người
đẹp ơi, cái người gửi tôi đến
Chỉ
ước ao, nếu như người vui
Được
làm kẻ bảo vệ cho người
Vì
Tình yêu khao khát
Đổi
thay vẻ ngoài nhờ sắc đẹp
Tình
sai phụng sự người khác kia
Nhưng
thủy chung, chỉ phục tùng người đẹp”.
Và
hãy nói với nàng: “Hỡi người đẹp
Lòng
chung thủy của người này
Và
ý nghĩ chỉ về người đẹp thôi
Người
này không cần ai khác”.
Còn
nếu như nàng không tin câu hát
Thì
để Tình yêu thú thật với nàng
Vì
nàng từng chối từ giã biệt
Kẻ
nô lệ trung thành đang ở trần gian
Hãy
để nàng đưa ta vào cõi chết.
Hãy
cầu xin nàng sự phục tùng
Và
hãy ngay lập tức quay lại
Một
khi lời nàng nói chưa xong:
“Vì
những dòng thơ ngọt ngào ca ngợi
Đáp
lại lời van vỉ cầu xin
Nỗi
lòng ta cứu giải”.
Ngay
khi nàng dứt lời nói
Thì
hãy vội vàng với vẻ hân hoan –
Bài
Ballad thân yêu, hãy lên đường
Hãy
bay đi, mang niềm vinh dự tới!
Bài Ballad này
chia làm ba phần: ở phần thứ nhất tôi nói bài thơ đi đâu và tán dương để nó tin
tưởng ra đi, tôi nói bài thơ thuộc về người đồng hành nếu muốn được che chở
khỏi nguy hiểm; ở phần thứ hai – tôi nói về điều cần làm; ở phần thứ ba – tôi
cho phép nó lên đường khi muốn và trao con đường cho số phận. Phần thứ hai bắt
đầu như vậy: ‘Con dolze sono..: Ngươi hãy đến và reo vui, sung sướng;
phần thứ ba: ‘Gentil ballata..: Bài ballad thân yêu, hãy lên đường”.
Ai đấy có thể
trách tôi và nói rằng không hiểu những lời tôi nói với ai qua nhân vật thứ hai,
vì rằng bài ballad chính là những lời tôi viết, và tôi nói rằng điều chưa rõ
ràng này tôi sẽ giải thích ở phần sau của cuốn sách, khi đó thì ai ai cũng rõ,
kể cả những người ở đây còn nghi ngờ và còn trách móc tôi.
XIII
Sau hình ảnh này, khi tôi thốt ra những lời mà Tình yêu gợi
ra cho tôi, có nhiều ý nghĩ khác nhau giằng xé trong tôi, quyến rũ tôi và tôi
không biết bảo vệ như thế nào. Trong số này, có bốn ý nghĩ mà tôi nghĩ rằng
chúng đã làm cho tôi không yên. Một ý nghĩ nói: “Quyền lực của Tình yêu là
tuyệt vời vì nó ngăn chặn ý định tốt đẹp khỏi những gì thấp hèn”. Một ý nghĩ
khác quả quyết: “Quyền lực của Tình yêu là không tốt: càng chung thủy với nó
càng chịu nhiều đau khổ”. Ý nghĩ thứ ba khêu gợi: “Tên gọi Tình yêu nghe thật
ngọt ngào, bởi vậy biểu hiện của nó trong đa số trường hợp là hạnh phúc, chẳng
lẽ không phải: “Nomina sunt consequentia rerum: Ai nấy lo làm
việc của mình”
Ý nghĩ thứ tư khẳng định: “Cô nương mà Tình yêu sai khiến
ngươi theo đuổi không giống như những người khác – nàng không dễ dàng thay đổi
con tim mình”. Và mỗi ý nghĩ có điều trái ngược với tôi, làm cho tôi như người
không biết đi về đâu. Mà nếu tôi tìm ra điểm chung cho tất cả, thì tôi đã chọn
con đường trái ngược, vì rằng nó phải gọi cô nương từ bi và ngã vào vòng tay.
Trong tình trạng như thế, tôi quyết định viết bài sonetto sau đây, bắt đầu bằng: “Tutti li mei penser’”
Nhưng mà chúng với nhau sao chẳng giống
Một ý nghĩ này tỏ ra cao thượng
Còn ý nghĩ kia doạ nạt cuồng điên.
Ý nghĩ này cho hi vọng dịu êm
Còn ý kia ánh nhìn trong nước mắt
Chỉ con đường tới lòng thương hoà nhập
Nỗi sợ từ cả hai phía dâng lên.
Biết theo ai, than ôi, không hiểu nổi
Muốn nói ra nhưng không biết nói lời
Giữa Tình yêu trời bắt tôi lạc lối.
Khi mà tôi hoà nhập với mọi người
Thì khi đó kẻ thù tôi sẽ gọi
Lòng thương ơi hãy che chở cho tôi.
Bài sonetto này
chia ra làm bốn phần: ở phần đầu tôi nói rằng mọi ý nghĩ của tôi đều hướng về Tình
yêu, ở phần hai tôi khẳng định rằng những ý nghĩ này khác nhau và tôi nói về sự
khác nhau của chúng; ở phần ba tôi chứng minh nơi chúng gặp nhau; và ở phần bốn
tôi mong muốn viết bài thơ về Tình yêu, tôi không biết phải lấy nội dung từ đâu
và nếu tôi muốn sử dụng tất cả mọi ý nghĩ thì tôi sẽ nhờ kẻ thù của tôi – cô
nương từ bi. Và tôi gọi “cô nương từ bi”, có vẻ như từ sự rẻ rúng một cách kiêu
hãnh. Phần hai bắt đầu như vậy: “e hanno in lor: Nhưng mà chúng…”; phần ba: “e sol s’accordano: tới lòng
thương hoà nhập”; phần bốn: “Ond’io non so:
Biết theo ai..”
XIV
Sau cuộc tranh cãi của những ý nghĩ trái ngược, xảy ra điều
rằng cô nương cao thượng nhất có mặt ở nơi nhiều cô nương cao thượng khác có
mặt. Một người bạn đưa tôi đến đó, tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm cho tôi rất
vui vì tôi được có mặt ở nơi có nhiều người đẹp. Còn tôi, tin cái người đã dẫn
bạn mình đến ranh giới của cuộc sống và cái chết, đã nói với người bạn rằng:
“Chúng ta đến đấy mà làm gì?” Thì người bạn nói với tôi: “Để được phụng sự quí
cô một cách xứng đáng”.
Thực ra quí cô nương tập trung ở đó để tiễn một cô nương
cao thượng nhất đi lấy chồng trong ngày này, mà theo tục lệ của thành phố thì
khi nàng ngồi vào bàn ở nhà mới có những cô nương khác ở xung quanh.
Nghĩ rằng, tôi đã làm theo ý người bạn mình, tôi đề nghị
người hãy ở lại với họ để được phụng sự. Khi vừa mới nghĩ đến điều này, tôi cảm
thấy ở phía bên trái có một cơn xúc động lâng lâng lan tỏa khắp cơ thể. Khi đó
tôi cúi đầu trước một bức tranh trên tường, cố giấu cơn xúac động của mình. Sợ
những người khác nhận thấy điều này, tôi ngước mát nhìn vào các cô nương thì
thấy có Beatrice trong số họ.
Khi đó linh hồn của tôi nhìn thấy tôi đang ở rất gần cô
nương cao thượng nhất, Tình yêu rủ lòng thương cho tôi ở lại để được nhìn thấy
cô nương này. Và mặc dù tôi đã trở thành một người khác với trước đó, tôi cảm
thấy một nỗi đau mà những linh hồn nhỏ bé đang thổn thức và nói: “Giá mà Tình
yêu không xua đuổi thì ta đã có thể ở lại và nhìn thấy điều kỳ diệu của cô
nương ở đây”.
Và tôi xin nói rằng, một số cô nương khi nhìn thấy sự thay
đổi của tôi thì họ cười tôi cùng với cô nương cao thượng nhất. Khi đó người bạn
tôi đã cầm lấy tay kéo tôi ra khỏi ánh nhìn của những người đẹp và hỏi điều gì
đã xảy ra với tôi.
Khi đã làm chủ được bản thân mình, tôi nói với người bạn:
“Bàn chân của tôi đã bước vào cái nơi mà không còn có thể đi tiếp, huống hồ
quay trở lại”. Và, bỏ người bạn ở đó, tôi đi về phòng, đầy nước mắt, tôi khóc
và xấu hổ, và tự nói với mình: “Giá mà cô nương biết được tình cảnh của ta thì
trong con tim nàng đã tỏ lòng thương”.
Và tôi tiếp tục khóc, tôi nghĩ rằng sẽ nói những lời về
nàng, tôi sẽ giải thích tại vì sao tôi thay đổi như vậy, và nói rằng: “Tôi biết
rằng nguyên nhân của điều xảy ra chưa một ai biết, mà giá như ai biết thì nó đã
gợi ra lòng thương cảm”. Và tôi quyết định viết những lời, mong rằng một khi
nào đó sẽ được cô nương cao thượng nhất nghe được. Tôi viết bài sonetto bắt đầu bằng: “Con
l’altre donne”.
Nhưng mà tại vì sao, em có biết?
Khi anh đứng trước em ngời vẻ đẹp
Em làm sao nhận mặt, bắt hình dong.
Với lòng tốt – giá mà em biết rằng
Tình cảm của mình làm sao giữ được
Bởi Tình yêu làm cho anh mê hoặc
Hành hạ anh với sức mạnh điên cuồng.
Rằng những tình cảm rụt rè của mình
Cái đem hành hình, cái anh xua đuổi
Chỉ ánh mắt nhìn cứ hướng về em.
Chính vì thế mà anh không bình thường!
Nhưng sau khi tình cảm đem xua đuổi
Anh nghe rõ ràng những tiếng đau thương.
Bài sonetto này
không chia ra các phần vì rằng chỉ khi cần mới mở ra ý nghĩa. Vì thế, những gì
đã nói có ý nghĩa rõ ràng, không cần chia ra từng phần. Quả thực cũng có những
lời còn gây nghi ngờ: thí dụ khi tôi nói rằng Tình yêu giết chết mọi linh hồn
của tôi, nhưng linh hồn thị giác vẫn sống, dù là ngoài cơ thể. Nhưng những chỗ
khó này không thể giải thích một cách dễ dàng. Bởi thế, tôi không cố gắng giải
thích cái khó, vì rằng lời của tôi sẽ trở thành vô ích hoặc thừa.
CHÚ THÍCH
Lời
mở đầu
1. Trong phần này của cuốn sách kỷ niệm của
tôi… – Ẩn dụ “cuốn sách” rất phổ
biến trong tác phẩm của các nhà văn thời kỳ hậu Cổ đại và Phục hưng.
2. “Incipit vita nova” – dòng chữ đề thường
thấy trong các văn bản cổ. Đề từ “Nova-Mới” có thể thấy trong Kinh Thánh – cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, thí
dụ trong Sách tiên tri Isai: “Này, Ta
đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy
sao?” (Isai, XLIII, 19); trong Rôma:
“thì chúng ta cũng sống trong đời mới” (Roma, VI, 4); trong Côrinhtô 2: “Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một
sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới” (Côrinhtô,
V, 17); trong Khải Huyền: “Đoạn, tôi
thấy trời mới và đất mới” (Khải Huyền, XXI, 1) vv…
Theo
nghĩa văn chương, từ “mới” thường
được những người hát rong (Troubadour) Provence dùng: “Ab пои cor et ab пои talen/ Ab пои saber et ab пои sen/ Et ab пои
belh captenemen/ Vuoill un bon пои vers
comensar” – “Với con tim và sức mạnh của tài năng mới/ Với tri thức mới
và cảm giác mới/ Và với một tên gọi mới tuyệt vời/ Ta muốn bắt đầu những dòng
thơ mới” (Мahl С. A. F. Die Werke der Troubadours. Berlin,
1846. Bd 1. S. 67). “Ab noels
digz de nova maestria” – “Những câu chuyện mới của một tài
nghệ mới” (Соulet J. Le
Troubadour Guilhem Montanhago. Toulouse, 1898. P. 111). Đề từ này được Dante
dùng với nhiều ý nghĩa hơn là những người hát rong. “Mới” – không chỉ là trẻ trung, đổi mới mà còn là chưa từng có, là
kỳ diệu và biến đổi.
I
1. Đã chín lần, kể từ khi tôi sinh ra, bầu trời
hầu như quay lại chỗ ban đầu trong vòng quay của mình… - Về ý nghĩa của con
số “chín” đối với Dante: xem chương XXIX.
2… tên
nàng là Beatrice – Beatrice có nghĩa là “người ban tặng hạnh phúc”.
3. Linh hồn Cuộc sống… – Theo triết học
thời Trung cổ thì trong con người ta có ba linh hồn, hay ba sức mạnh (spiriti,
vires), đó là linh hồn thiên nhiên, linh hồn cuộc sống và linh hồn thú vật
(naturalis, vitalis, animalis). Còn Linh hồn Thị giác theo trong Mỹ học thời
Trung cổ, bắt đầu từ Augustine thì vai trò chủ đạo trong cảm nhận mỹ học là đôi
mắt.
II
1. Tròn chín năm kể từ ngày Người con gái cao
thượng nhất nói trên xuất hiện… – Sự
cao thượng theo cách hiểu của Dante trong tiểu luận “Bữa tiệc” là đặc tính của tâm hồn cao cả. Đặc tính này không phụ
thuộc vào dòng tộc hay sự giàu có.
III
1. … tôi
nhận ra hình dáng một người đàn ông nào đấy… – Tình yêu có hình dáng của người đàn ông. “Tình yêu” bằng tiếng
Latin và tiếng Italia đều có giống đực.
2…. một
ngày trước đó đã cúi chào tôi.. – Cúi
chào là biểu tượng của tình yêu theo cách hiểu của các nhà thơ Troubadour
(người hát rong). Thời Trung cổ họ phân chia ba mức độ của suy tưởng: khi đối
tượng ở bên ngoài ta, khi đối tượng ở
trong ta, và khi đối tượng ở trên ta. Tâm hồn Dante trải qua cả ba
bậc này.
3… cùng
với nàng có vẻ như bay vào trời xanh – Dante linh cảm cái chết sớm của Beatrice từ đây và từ bài sonetto đầu
tiên.
3… cho những người hát rong nổi tiếng
(famosi trovatori) – Dante chưa gọi những người làm thơ của Italia là những
“nhà thơ” (mà chỉ các nhà thơ của Latin và Hy Lạp).
4. …
rằng
cái giờ mà tôi trong mơ nhìn thấy là giờ thứ tư của đêm ấy… – Thời Dante cho rằng số “bốn” là
con số xấu. Điều này có nghĩa là giấc mơ của Dante là một cơn ác mộng. Trạng
thái sợ hãi của tình yêu ở thời kỳ đầu.
5. Hồn ai say, tim ai đầy ánh sáng.. – Câu
mở đầu của bài sonetto đầu tiên của “Cuộc
đời mới”. Các bài sonetto thường được gieo vần theo sơ đồ abba – abba; cdc
– cdc. Đôi khi là abab – abab ccd –ccd vv… Bản dịch tiếng Việt nhiều chỗ không
thật chú trọng đến các sơ đồ này.
V
1… Nữ hoàng của vinh quang – là Đức Mẹ Maria.
2… người con gái này trở thành thứ lá chắn để
giấu đi sự thật – Dante theo truyền thống của những người hát rong Provence
(những nhà thơ dân gian) cho rằng nên làm ra vẻ kẻ tôn thờ Tình yêu không phải
yêu đối tượng thật của mình, mà một người con gái khác, người này là thứ lá
chắn hay màn che để giấu những tình cảm thật của mình. Để không lộ ra điều bí
mật giấu trong tim các nhà thơ dân gian thường sử dụng một cái tên phụ nữ giả
định – senhal. Tên thật của người mà Dante yêu chỉ những bạn bè thân thiết biết
được. Trong “Cuộc đời mới” chỉ thấy
nhắc đến một lần (dạng rút gọn) trong bài sonetto ở chương XXIV – Bice.
3… tôi đã viết tặng nàng mấy bài thơ liền..
– Có thể đây là những bài thơ ở chương VII và IX, và một số bài khác mà Dante
không đưa vào “cuốn sách kỷ niệm” này.
VI
1….
viết bằng thể thơ serventeza … – (tiếng Provence: sirventes, tiếng
Italia: sirventeza, tiếng Pháp: serventois) – một thể thơ cổ mà người Italia
Trung cổ thường dùng để ca ngợi phụ nữ.
VII
1…. O vos omnes qui transitis per viam.. –
(Ai Ca, I, 12): Hỡi tất cả những ai qua
lại… Hãy nhìn xem, có nỗi khổ nào sánh
được với nỗi khổ của tôi. Dante thường dùng mô típ của tôn giáo để nói về tình
yêu.
XII
1… tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ… mặc áo
quần màu trắng… – Lần này Tình yêu như một chàng trai trẻ mặc áo quần màu
trắng, tượng trưng cho sự trinh trắng.
2. Ego tanquam centrum circuli… – Câu này ý
nói tâm hồn của Dante hãy còn ở giai đoạn bối rối, chưa thể coi như một vòng
tròn có tâm điểm. Aristotle trong “Vật lý
học” cho rằng: “Một vòng tròn chỉ được coi là hoàn hảo khi có tâm điểm đối
với các phần xung quanh”. Nhà thơ Jacopone da Todi cũng từng viết: “Amor,
amor tu se' cerchio rotondo. / Con tutto'1 соr chi c'entra sempre t'ama”
(Tình yêu, Tình yêu, ngươi là một vòng tròn hoàn mỹ/ Ai bước vào sẽ yêu bằng
tất cả trái tim).
XIII
1. Nomina
sunt consequentia rerum.. – Câu
này trong “Bộ luật dân sự” (Corpus iuris civilis) trở thành câu thành
ngữ đối với giới luật gia Italia thế kỷ XII – XIII, theo nghĩa rằng: luật sư
phải lo bào chữa, sinh viên phải lo học, tiểu thương phải lo buôn bán vv…
XIV
1. Bàn chân của tôi đã bước vào cái nơi mà
không còn có thể đi tiếp, huống hồ quay trở lại – Ở đây ý tưởng Tình yêu
đang gần với ý tưởng Cái chết (Xem thêm chương XXIII) của sự khủng hoảng tinh
thần. Đấy là sự thống nhất của Tình yêu và Cái chết cùng với sự đổi mới về tinh
thần giống như cái chết và sự hồi sinh của Jesus Chritst. Ý tưởng này xuất phát
Kinh Thánh Tân Ước: “… Đấng Christ nhờ
vinh hiển của Cha được từ cái chết sống lại thế nào thì chúng ta cũng sống
trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi cái chết thì chúng
ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại” (Rôma, VI, 4-6).
Xin phép người đăng có thể cho e xin bản pdf nhằm mục đích nghiên cứu được không ạ. Nh cuốn sách của Dante hiện đã ngưng xuất bản nên rất khỏ để thế hệ sau chúng e tiếp cận. Nếu ưng thuận hãy gửi vào email dưới đây giúp e với ạ.
Trả lờiXóanhava333@gmail.com