Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Cuộc đời mới (chương 34 - 42)


XXXIV
Vào ngày tròn một năm kể từ khi cô nương của tôi trở thành người muôn thuở, tôi ngồi nhớ về nàng và tôi vẽ thiên thần trên tấm bảng. Khi rời mắt khỏi hình vẽ, tôi nhìn thấy nhiều người. Họ nhìn bức tranh của tôi. Và như sau đó tôi được biết thì họ đã ở đó một thời gian trước khi tôi nhận ra họ.

Khi nhìn thấy họ, tôi đứng dậy chào hỏi và nói với họ: “Tôi mải chìm đắm trong suy nghĩ”. Khi họ đi, tôi trở lại với công việc của mình và lại tiếp tục vẽ thiên thần. Khi làm việc, trong đầu tôi nảy ra những câu thơ về những người vừa ghé thăm tôi. Tôi viết bài sonetto, bắt đầu bằng: “Era venuta: Nàng đi vào ký ức của tôi..”. Bài thơ này có hai sự mở đầu, và tôi chia nó với cả hai sự mở đầu.

Theo sự mở đầu thứ nhất, bài thơ có ba phần: ở phần một tôi nói rằng cô nương đã ở đây, trong ký ức của tôi; ở phần hai tôi nói rằng Tình yêu ở trong tôi; ở phần ba tôi nói về sự tác động của chúa tể đối với tôi. Phần hai bắt đầu như vậy: “Amor, che: Nghe tiếng gọi..”; phần ba bằng những lời: “Piangendo uscivan for: ..than thở thành lời”.

Phần này có hai phần nhỏ: thứ nhất, là tất cả những thổn thức của tôi; thứ hai, một số này có những lời khác nhau. Phần hai bắt đầu bằng: “Ma quei: Sẽ nói rằng..”.
Còn với sự mở đầu thứ hai, bài thơ cũng chia ra như vậy, ngoại trừ một điều tôi nói đến sự xuất hiện của cô nương trong ký ức của tôi, là điều không có ở sự mở đầu thứ nhất.

Sự mở đầu thứ nhất

Nàng đi vào ký ức của tôi
Bậc nương nương hằng phúc
Nơi ngự Đức Chúa Trời cao nhất
Và Đức Mẹ Maria ở trên trời.

Sự mở đầu thứ hai

Nàng đi vào ký ức của tôi
Tình yêu đến giờ vẫn khóc
Về nàng trong phút giây hạnh phúc
Vào một bóng hình nhìn ngắm không thôi.

Nghe tiếng gọi trong giấc ngủ mơ màng
Tình thức dậy trong con tim hoang vắng
Tiếng nức nở: “Hãy đến cùng thần thánh!”
Rồi thở dài và vội biến đi nhanh.

Chúng bay nhanh và than thở thành lời
Nghe rõ ràng và lặp đi lặp lại
Dòng lệ buồn trong đôi mắt đầy vơi.

Nếu ai còn đau khổ hơn thế này
Sẽ nói rằng: “Ô, linh hồn cao quí
Giữa trời xanh ngươi thức dậy hôm nay!”

XXXV
Một thời gian tôi thả hồn mình đắm chìm trong những hoài niệm về quá khứ. Một ý nghĩ đau thương rằng gương mặt tôi quá rầu rĩ trước bạn bè. Khi hiểu được tình trạng đau khổ này tôi ngước mắt nhìn xem có ai nhìn tôi không.

Tôi thấy một cô nương cao thượng trẻ đẹp nhìn từ cửa sổ với một vẻ thương hại làm người ta ngỡ rằng tất cả mọi sự thương hại trên đời này đều tập trung vào đó.

Thấy sự thương hại của người khác, cảm nhận được nỗi đau của họ, dường như thương cho bản thân mình, tôi cảm thấy đôi mắt muốn tuôn dòng nước mắt. Nhưng sợ người khác nhìn thấy, tôi tránh khỏi cô nương kia, tự nói với chính mình: “Không lẽ với lòng thương hại của cô nương mà lại không có tình yêu cao thượng nhất ở đó”.

Bởi thế, tôi quyết định viết bài sonetto về cô nương này. Ý nghĩa thì đã rõ ràng. Bài sonetto bắt đầu bằng: “Videro li occho mei”

Đôi mắt nhìn vào, khổ đau biết mấy
Em hiện ra trong gương mặt của mình
Em nhìn thấy vẻ đau khổ của anh
Anh tiếc thương vẻ trời sinh như vậy.

Anh hiểu ra từng hơi thở của em
Rằng cuộc đời anh bao trùm bóng tối
Và trong tim có một miền run rẩy
Anh không trao cho hết thảy buồn thương.

Chạy trốn em, anh cảm nhận được rằng
Con tim anh lại bồi hồi, thổn thức
Vì ánh mắt em chứa đầy quyền lực.

Và tâm hồn đau thương anh van vỉ
Với Tình yêu của người đẹp, tất nhiên
Người làm cho cuộc đời anh đau khổ.

XXXVI
Sau đấy, dù gặp cô nương kia ở đâu thì tôi vẫn thấy trên gương mặt nàng một màu tái nhợt của lòng thương xót – có vẻ như màu tình yêu ở trên đôi má nàng. Cô nương này ít khi nhắc với tôi về cô nương cao thượng nhất của tôi, người hợp với màu này. Đôi khi không còn sức để khóc nữa hay để xua đi nỗi buồn thì tôi lại tìm gặp cô nương rủ lòng thương kia, có vẻ như nàng bằng dáng vẻ của mình gợi ra những giọt nước mắt từ đôi mắt của tôi. Bởi thế, tôi đã viết bài thơ về nàng sau đây, bài sonetto bắt đầu như vậy: “Color d’amore: Chẳng màu Tình yêu..”. Bài thơ có ý nghĩa đã rõ ràng mà không cần chia ra các phần.

Chẳng màu Tình yêu, không dấu hiệu đau thương
Trên mặt em chưa bao giờ như vậy
Chưa thể hiện vẻ đầy đủ lạ thường
Khi đôi mắt nhìn, thổn thức nhường ấy.

Cũng giống vậy, khi những lời thú nhận
Từ đôi môi anh cứ thế ào tuôn
Anh hình dung nỗi sợ hãi, nỗi buồn
Rằng trái tim vỡ tung vì đau đớn.

Đôi mắt anh bơ phờ như hờ nhắm
Không thể nào rời ánh mắt không nhìn
Mắt chỉ mong trút hết nỗi buồn thương

Em trao cho mắt ít nhiều sức mạnh
Và khát khao cho dòng lệ ào tuôn
Nhưng mà khóc trước mặt em không dám.

XXXVII
Vẻ ngoài của cô nương này thực sự gây cho tôi một ấn tượng, đôi mắt tôi cảm thấy thích thú mỗi khi nhìn thấy nàng. Điều này làm tôi buồn và tôi coi đó là điều thấp hèn. Nhiều lần tôi quở trách đôi mắt của mình nông nổi và tôi nói trong ý nghĩ: “Ngươi từng làm cho những ai nhìn thấy nỗi đau khổ của ngươi phải khóc, thế mà giờ đây ngươi khao khát quên điều này vì một cô nương mà ngươi nhìn thấy; nàng nhìn ngươi chỉ vì thương xót cho cô nương của ngươi, người mà ngươi thường khóc lóc; ngươi cứ tiếp tục hành động như mong muốn, ta sẽ thường xuyên nhắc đến, hỡi đôi con mắt nguyền rủa, hãy nhớ rằng cho đến khi chết đừng bao giờ cạn dòng nước mắt”.

Tôi đã nói với đôi mắt của mình như thế và những tiếng thổn thức lại không để tôi yên. Và để cho trận đánh với chính mình không ai biết được, tôi đã viết trong bài sonetto về tình trạng khủng khiếp của mình. Tôi viết bài thơ bắt đầu bằng: “L’amaro lagrimar: Dòng nước mắt lại trào ra..”.

Bài thơ có hai phần: ở phần một tôi nói với đôi mắt những gì mà con tim nói trong lòng tôi; ở phần hai tôi khen mối nghi ngờ có thể, giải thích ai nói vậy. Phần này bắt đầu bằng: “Così dice: Con tim nói vậy..”. Bài thơ này có thể chia ra các phần, tuy nhiên điều này là không cần thiết vì ý nghĩa của nó đã rõ ràng từ phần trước.

“Dòng nước mắt lại trào ra cay đắng
Đôi mắt tôi đằng đẵng đã bao ngày
Mắt làm cho thổn thức biết bao người
Vì nỗi buồn của em mắt đau đớn.

Nhưng anh hình dung: từ lâu hoài niệm
Em quên đi, anh không xứng điều này
Lòng cương quyết của mình, em không hay
Ca tụng con người mà em đau đớn.

Anh nghĩ suy cái điều em bận rộn
Anh đau buồn và lo sợ cho em
Khi đứng trước em gặp ánh mắt nhìn.

Bởi chưa bao giờ – trong phút lâm chung
Xin em đừng quên cái người đã chết!”
Con tim nói vậy – và tim thổn thức.

XXXVIII
Tôi lại cứ nhìn thấy gương mặt của cô nương có lòng trắc ẩn và thường xuyên suy nghĩ về nàng như một người yêu thích. “Cô nương cao thượng này – tôi suy nghĩ – trẻ trung, khôn ngoan và xinh đẹp đã xuất hiện theo ước muốn của Tình yêu để cho đời ta có sự ngơi nghỉ”.

Và tôi thường nghĩ đến, con tim của tôi cảm nhận sâu sắc hơn điều này. Khi tôi đã sẵn sàng đồng ý với điều này thì tôi lại đắm chìm vào suy nghĩ và tôi nói với chính mình: “Lạy Chúa, ý nghĩ xấu hổ này muốn an ủi ta và muốn ngăn cản những ý nghĩ khác chăng?” Sau đó, một ý nghĩ khác hiện ra và nói: “Ngươi đang ở trong tình trạng đau khổ như vậy thì tại sao ngươi không muốn thoát khỏi nỗi đau thương? Tình yêu xuất phát từ đôi mắt thương hại của cô nương”. Và tôi cảm thấy sảng khoái, muốn thể hiện qua thơ. Tôi cảm thấy cần phải viết về những ý nghĩ này. Tôi viết bài sonetto, bắt đầu bằng: “Gentil pensero: Ý nghĩ dễ thương..”, và tôi nói rằng “gentile”, vì ý nghĩ này nói về cô nương cao thượng, mặc dù ở những phần khác là những ý nghĩ thấp hèn.

Trong bài sonetto này tôi chia mình ra làm hai phần khởi đầu, chia đôi những ý nghĩ của tôi. Tôi gọi phần thứ nhất là trái tim, nghĩa là khát khao; phần khác – là tâm hồn, nghĩa là lý trí, và tôi thả lòng theo cả phần này phần khác. Quả thực, ở bài sonetto trước tôi bảo vệ sự khát khao của con tim trước sự khát khao của đôi mắt, thì ở bài này có vẻ như ngược lại. Bởi thế, tôi nói rằng ở bài sonetto trước tôi hiểu con tim – là sự khát khao, vì khi đó sự khát khao trong tôi mạnh mẽ hơn sự hồi tưởng về cô nương cao thượng nhất. Từ đó mà rõ ràng một điều nói ra không trái ngược với điều khác.

Bài sonetto này có ba phần: ở phần một tôi nói về cô nương này và tất cả mong muốn của tôi đối với nàng; ở phần hai – tâm hồn, tức lý trí hướng về con tim, nghĩa là dục vọng; ở phần ba tôi đưa ra câu trả lời của con tim cho tâm hồn. Phần hai bắt đầu như vậy: “L’anima dice: Hồn bảo tim..”; phần ba: “Ei le responde: Tim trả lời..”

Ý nghĩ dễ thương nhắc đi nhắc lại
Chia sẻ niềm vui như vị khách quen
Về Tình yêu nhắc đến thật êm đềm
Rằng con tim nghe theo tình như vậy.

Hồn bảo tim: “Ở đây nghe giọng nói
Của ai đang an ủi nỗi buồn chăng?
Quả thực là có sức mạnh vô cùng
Để ý nghĩ lạc loài đem xua đuổi?”

Tim trả lời: “Ô, tâm hồn tăm tối
Đấy là linh hồn mới của Tình yêu
Đang vội vàng đem bổn phận đến đây

Linh hồn tự nhiên, quyền lực như vầy
Có nghĩa vụ với ánh nhìn thương hại
Vì đau khổ của ta mà mệt mỏi”.

XXXIX
Đến một ngày có một hình ảnh rất mạnh mẽ hiện ra chống lại điều thù nghịch của lý trí. Tôi ngỡ như trước mặt tôi Beatrice hiện ra trong bộ quần áo màu đỏ thắm như lần đầu tiên tôi gặp nàng, và tôi cứ ngỡ rằng nàng ở độ tuổi thanh xuân như lần đầu tiên mà tôi gặp. Khi đó tôi đắm chìm trong suy nghĩ về nàng theo sự thay đổi của thời gian. Con tim tôi đau khổ hối hận vì những gì đã vây lấy trong nhiều ngày. Khi những ý nghĩ này vơi đi, tất cả những ý nghĩ của tôi lại hướng về Beatrice.

Và tôi nói rằng, kể từ ngày tôi bắt đầu suy nghĩ về nàng bằng tất cả con tim thì những thổn thức luôn nhắc đến cái tên Beatrice, và rằng nàng đã ra đi ra sao. Đôi khi xảy ra là tôi quên nàng và nơi mà tôi đang ở. Điều này làm cho tôi muốn bật khóc.

Vì thường hay khóc trong một thời gian dài đã hình thành một quầng màu đỏ thẩm quanh đôi mắt của tôi như ở những người thường chịu những nỗi đau khổ quá mức. Những ý nghĩ nông nổi của đôi mắt đã bị trừng phạt nên từ đó chúng không còn nhìn cô nương, người có thể kéo chúng trở lại tình trạng như trước đây.

Mong muốn thể hiện điều này, tôi quyết định viết bài sonetto nói về những điều mà tôi vừa phân tích. Tôi viết: “Lasso! per forza di molti suspiri: Than ôi! Trước sức mạnh của hơi thở dài..”, trong đó tôi nói lời “than ôi” về điều xấu hổ mà đôi mắt của tôi đã lầm lẫn. Bài sonetto này tôi không chia ra các phần, điều này đã không cần thiết.

Than ôi! Trước sức mạnh của hơi thở dài
Một ý nghĩ trong lòng tôi dâng ngập
Đôi mắt hãy ngoan, nghĩ đến điều này:
Hãy tránh xa khỏi cái miền trực giác.

Và ngỡ rằng: mắt – hai điều khao khát
Được buồn đau, than khóc những ngày qua
Khắp mọi nơi nước mắt vẫn nhạt nhoà
Tình khoác lên mắt vòng hoa đau xót.

Mắt khó nhọc chất đầy trong con tim
Bằng thổn thức và rầu rĩ của mình
Rằng trong đó nỗi buồn đang dâng ngập

Rồi sau đó, không gì an ủi được
Mắt giữ cái tên người đẹp ngọt ngào
Và biết rằng nàng đã vội đi mau.

XL
Sau những phiền muộn kia, thời gian này có nhiều người đi hành hương để được thấy hình ảnh mà Giêsu Christ để lại, được chứng kiến vẻ mặt tuyệt đẹp của Ngài mà giờ đây cô nương của tôi đang chiêm ngưỡng trong sự vinh quang, những người hành hương đi qua con đường xuyên qua thành phố, nơi cô nương cao thượng nhất đã sinh ra, lớn lên và chết ở đó.

Những người hành hương bước đi, tôi ngỡ như họ đắm chìm trong suy tưởng. Suy nghĩ về họ, tôi nói với mình: “Ta cứ ngỡ rằng những người hành hương đến từ nơi xa xôi thì chắc gì đã nghe được những câu chuyện về cô nương và họ không biết gì về nàng. Họ quan tâm đến những chuyện khác, mà không phải những gì đang xảy ra ở đây. Có lẽ họ nghĩ về những người bạn của mình mà ta không biết”.

Sau đó, tôi nói với chính mình: “Nếu như họ là những người ở gần đây thì trên gương mặt có thể nhận thấy vẻ bối rối, khi họ có mặt ở thành phố đau buồn”. Sau đó, tôi lại nói với chính mình: “Giá như ta có thể giữ được họ lại dù trong chốc lát thì ta đã có thể khơi ra dòng lệ trước khi họ từ giã thành phố này, vì ta sẽ nói những lời làm cho họ phải bật khóc”.

Sau đó, khi họ biến mất khỏi ánh mắt của tôi, tôi quyết định viết bài sonetto để diễn tả những điều tôi đã nói với chính mình. Và để gợi ra lòng thương cảm, tôi viết bài thơ có vẻ như là hướng tới những người hành hương. Bài thơ bắt đầu bằng: “Deh peregrini che pensosi andante: Những kẻ hành hương bước đi đầu cúi xuống..”. 

Tôi nói: “những người hành hương - peregrini” theo nghĩa rộng của từ này. Ta biết rằng “những người hành hương” có cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, “những người hành hương” là những ai ở ngoài xứ sở của mình; theo nghĩa hẹp “những người hành hương” là những ai đến đền Thánh Gia-cốp (Iacopo) hoặc từ đó trở về. Từ đó mà có ba cách gọi đối với những người đi xa để phụng sự Đấng Tối Cao: họ được gọi là “palmieri – palmer, bởi vì họ đi xa và thường xuyên mang về những cành lá cọ, họ được gọi là “những người hành hương” khi họ đi về xứ Galicia, bởi vì mộ của Thánh Gia-cốp ở xa quê hương họ hơn là những Thánh tông đồ khác; họ được gọi là “romei”, khi đi về Roma – và những ai mà tôi gọi là “những người hành hương” cũng đi về nơi đó.

Bài sonetto này tôi không chia ra các phần vì rằng tất cả đã rõ ràng:

Những kẻ hành hương bước đi đầu cúi xuống
Thương tiếc những ai không ở nơi này
Từ xứ lạ dấu vết có mang về đây
Có cho người khác nhận ra hình dáng?

Vì điều chi các người tuôn nước mắt
Khi quay về bắt gặp cảnh đau thương?
Có nhìn ra dấu hiệu nỗi đau buồn
Có hiểu thấu chăng những điều mất mát?

Giá những lời tôi bay đến các người
Thì sẽ hiểu ra nỗi đau đớn của tôi
Rằng ở đây kết lại trong nước mắt:

Tôn thờ nàng Beatrice của tôi!
Và câu chuyện kết thúc ở đây
Ai nghe thấy đều muốn oà lên khóc!

XLI
Sau đó hai cô nương cao thượng yêu cầu tôi gửi cho họ những dòng thơ này. Suy nghĩ về vẻ cao thượng của họ, tôi quyết định gửi thơ cho họ và viết bài thơ mới để gửi cùng những bài khác và để thực hiện tốt lời yêu cầu của họ. Tôi viết bài sonetto nói về trạng thái của tôi và gửi cho họ cùng với những bài thơ khác bắt đầu bằng: ‘Venite a intender: Hãy đến để mà nghe..”.

Bài sonetto tôi viết khi đó bắt đầu bằng: “Oltre la spera: Trên hình cầu..” bao gồm năm phần. Ở phần thứ nhất tôi nói về ý nghĩ tôi đi đâu, gọi tên của hành động. Ở phần thứ hai tôi nói rằng tại sao ý nghĩ lên cao, nghĩa là ai dẫn lên đó. Ở phần ba tôi nói rằng thơ nhìn thấy gì, nhìn thấy cô nương nào ở trên cao và tôi gọi là “hồn lãng du” vì lên cao, tựa như người du hành ở xa quê hương mình và ở lại đấy.

Ở phần bốn – tôi nói rằng hồn nhìn thấy nàng với những phẩm chất mà tôi không hiểu được, nghĩa là ý nghĩ của của tôi lên cao đến mức mà lý trí không nhận biết được, rằng trí tuệ của ta có thái độ với những linh hồn cao thượng tương tự như con mắt người yếu kém với mặt trời: chính điều này Nhà triết học nói đến trong quyển Siêu hình thứ hai.

Ở phần năm – tôi nói rằng dù không hiểu được sự vật mà ý nghĩ tôi hướng đến, nghĩa là phẩm chất kỳ diệu nhưng tôi hiểu rằng tất cả những điều này là sự suy ngẫm về cô nương của tôi vì tôi thường xuyên nghe tên nàng trong ý nghĩ, và ở đoạn cuối của phần năm tôi nói ‘donna mie care: ôi những cô nương ơi” để nói rằng tôi đang hướng về các cô nương.

Phần hai bắt đầu bằng ‘intelligenza nova: một trí khôn rất mới..”; phần ba: ‘Quand´elli è giunto: Trước sứ giả này..”; phần bốn ‘Vedela tal: Hồn nhìn ra..”; phần năm: ‘So io che parla: Hồn đang nói về..”.

Có thể chia ra các phần nhỏ hơn và giải thích một cách cặn kẽ hơn nhưng có thể không cần chia ra như thế, bởi vậy tôi sẽ không phân chia tiếp.

Trên hình cầu, sứ giả của con tim
Lượn vòng quanh, hơi thở tôi qua đấy:
Với nỗi buồn, một Trí khôn rất mới
Tình trao cho, đang vỗ cánh bay lên.

Trước sứ giả này, một giới hạn ước mong
Thấy người đẹp trong một niềm tôn kính
Trong tốt đẹp, trong huy hoàng xán lạn
Rằng hồn lãng du không thể không nhìn.

Hồn nhìn ra, lên tiếng, nhưng mà tôi
Không hiểu nghĩa của một lời láu lỉnh
Dù hồn tôi chăm chú nghe điều tiếng

Nhưng hiện ra: hồn đang nói về Người
Tôi nghe ra cái tên: “Beatrice” –
Và hiểu ra, ôi những cô nương ơi.

XLII
Sau bài thơ này có một hình ảnh tuyệt diệu mà trong đó tôi nhìn thấy những điều bắt buộc tôi quyết định không nói về con người cao thượng, cho đến khi tôi chưa thể tường thuật lại một cách xứng đáng hơn. Và, để đạt được điều này, tôi làm những gì có thể như chính nàng thực sự biết điều này. Vì thế, nếu con người rất sống động ấy vui lòng, để cuộc đời tôi kéo dài thêm một vài năm, tôi hy vọng được nói về nàng cái điều mà chưa bao giờ có ai từng nói như vậy về một người phụ nữ.

Còn sau đấy, hẳn là Thượng Đế bao dung sẽ vui lòng, để linh hồn tôi có thể bay lên và nhìn thấy vinh quang người Trinh Nữ của mình, là người tôi mang ơn, có tên Beatrice, người mà ai có vinh hạnh được ngắm nhìn gương mặt Nàng, qui est per omnia saecula benedictus: người đó đến trọn kiếp mang niềm ân huệ.


 CHÚ THÍCH

XXXIV
1. Vào ngày tròn một năm kể từ khi cô nương của tôi trở thành người muôn thuở, tôi ngồi nhớ về nàng và tôi vẽ thiên thần trên tấm bảng… – Theo nhà nhân văn Leonardo Bruni (1370 – 1444), tác giả của cuốn sách về “Cuộc đời Dante” thì Dante là người vẽ rất giỏi.

XXXV
1. Tôi thấy một cô nương cao thượng trẻ đẹp nhìn từ cửa sổ với một vẻ thương hại…– Cô nương trẻ đẹp được Dante gọi là “cô nương cao thượng” (donna gentile) và “cô nương thương hại” (donna pietosa). Cô nương này đã làm phân tán ý nghĩ của Dante về Beatrice mà rồi sau đấy Dante đã hối hận.

XXXIX
1.  Con tim tôi đau khổ hối hận vì những gì đã vây lấy trong nhiều ngày. Khi những ý nghĩ này vơi đi, tất cả những ý nghĩ của tôi lại hướng về Beatrice. – Sự say mê với “donna gentile” vây lấy Dante một thời gian nhưng cuối cùng lại trở về với Beatrice trong mọi ý nghĩ và Dante bắt đầu viết “Thần Khúc”.

XL
1… thời gian này có nhiều người đi hành hương để được thấy hình ảnh mà Giê-su Christ để lại… – Theo truyền thuyết thì khuôn mặt của Jesus Christ còn in dấu trên chiếc khăn mà bà Veronica ở thành Jerusalem trao cho khi trên đường đi đến Golgotha.

2… con đường xuyên qua thành phố, nơi cô nương cao thượng nhất đã sinh ra, lớn lên và chết ở đó… – Thành phố này là Firenze, Dante đã cố tình không gọi tên thành phố này.

3… họ đi về xứ Galicia – Đền thờ Thánh Giacốp ở Galicia (Tây Ban Nha). Dân Firenze thường hành hương về thành Jerusalem, sau đó đi về mộ Giacốp (Iacopo) ở Galicia.

XLI
1… Nhà triết học nói đến trong quyển Siêu hình thứ hai  – Đây là quyển “Siêu hình II” của Aristotle.

2… Không hiểu nghĩa của một lời láu lỉnh – Câu thơ này mâu thuẫn với câu cuối cùng: Và hiểu ra, ôi những cô nương ơi. Dante muốn nói rằng không hiểu theo nghĩa đen mà hiểu theo ý nghĩa ẩn giấu ở bên trong.

XLII
1. Sau bài thơ này có một hình ảnh tuyệt diệu mà trong đó tôi nhìn thấy những điều bắt buộc tôi quyết định không nói về con người cao thượng, cho đến khi tôi chưa thể tường thuật lại một cách xứng đáng hơn…. – Dante nói về ý định viết tác phẩm “Thần Khúc” trong tương lai, hơn 20 năm sau đấy.

2… qui est per omnia saecula benedictus  – Cách kết thúc này Dante theo cách mà nhà thần học, nhà triết học Tômát Đa Canh (Tommaso d'Aquino) (1225 – 1274), dùng để kết thúc các phần trong tác phẩm “Summa Theologica” bất hủ.


Cuộc đời mới (chương 24 - 33)


XXIV
Sau sự tưởng tượng vô vọng này, một lần tôi đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ thì bỗng cảm thấy một cơn rung trong tim, có vẻ như tôi đang ở nơi cô nương của tôi có mặt. Khi đó tôi nhìn thấy một trong những gương mặt của Tình yêu. Tôi ngỡ như Tình yêu đang đi bên phía cô nương của tôi, và tôi ngỡ như trong tim có một giọng nói mừng rỡ: “Hãy nghĩ xem, thật đáng cám ơn cái ngày mà ta trở thành người chủ của ngươi. Đấy là nhiệm vụ của ngươi”. Tôi ngỡ con tim mình rất mừng rỡ, ngỡ như là không phải của tôi nữa nhờ tình trạng rất mới này.

Sau những lời bằng ngôn ngữ của Tình yêu, tôi nhìn thấy một cô nương cao thượng nào đó với một vẻ đẹp đang hướng về phía tôi. Cô nương này đã từng có quyền lực với con tim của người bạn đầu tiên của tôi. Cô nương này có tên là Giovanna, nhờ sắc đẹp của nàng mà người ta nói rằng nàng được mang tên Primavera, và người ta gọi nàng như vậy. Tôi nhìn thấy người bước đi sau nàng là Beatrice huyền diệu. Hai người đi theo nhau như vậy và tôi ngỡ như Tình yêu lại thốt lên trong tim tôi: “Người đầu tiên được gọi là Primavera là nhờ sự xuất hiện của nàng ngày hôm nay; ta cảm thấy hào hứng với việc ai đã đặt cho nàng tên này, cần gọi nàng như vậy, vì rằng nàng đến đầu tiên trong cái ngày mà Beatrice hiện ra trước mắt người trung thành sau lần nhìn thấy. Và nếu như ngươi muốn đi sâu vào ý nghĩa cái tên đầu của nàng thì nó có nghĩa là: “Nàng đi đến đầu tiên”, vì rằng cái tên Giovanna kia đi trước ánh sáng thật, nói rằng: “Ego vox clamantis in deserto: parate viam Domini: Ta là tiếng vang, kêu lên nơi đồng hoang. Đắp thẳng con đường Chúa”.

Và tôi ngỡ rằng sau những lời này: “Ai mong muốn đi sâu một cách tinh tế vào bản chất của sự vật, sẽ thấy rằng cần gọi Beatrice là Tình yêu vì rất giống với ta”. Sau đó, suy nghĩ về điều này, tôi quyết định làm thơ cho người bạn đầu tiên của tôi, nhưng tôi sẽ giấu những lời, vì cho rằng trong con tim người bạn còn thưởng ngoạn vẻ đẹp của Primavera cao thượng. Tôi viết bài sonetto, bắt đầu bằng: “Io mi senti´ svegliar”

Tôi nghe ra trong tim đang thức tỉnh
Hồn của Tình yêu trong đó ngủ mê
Sau đó Tình yêu tôi thấy từ xa
Rất mừng vui, nhưng mà tôi nghi lắm.

Tình nói rằng: “Để thời gian cúi xuống
Trước mặt ta…” – và nghe thấy tiếng cười
Nhưng mà tôi chỉ nghe chúa tể thôi
Chỉ một người đôi mắt tôi hướng đến.

Cô nương Vanna, cô nương Bice
Là hai người tôi thấy khi gần lại
Và ở đây có một sự diệu kỳ

Khi trong ký ức của tôi giữ lại
Tình yêu nói rằng: “Đây là Primavera
Còn đây – Tình yêu, ta giống như người ấy.

Bài thơ này có mấy phần: ở phần một tôi nói về việc tôi đã cảm thấy một cơn rung trong lồng ngực và tôi ngỡ rằng Tình yêu vui mừng từ xa đã hiện ra trong tim tôi; phần hai, tôi ngỡ là Tình yêu nói những điều như tôi nghĩ; phần ba, tôi nói về việc Tình yêu ở trong tim tôi, về điều tôi nghe và tôi thấy. Phần hai bắt đầu như vậy: “dicendo: “Or pensa: Tình nói rằng:..”, phần ba: “E poco stando: Chỉ một người”. Phần ba có hai phần nhỏ: ở phần đầu tôi nói về điều tôi nhìn thấy; ở phần sau – về điều tôi nghe thấy. Phần hai này bắt đầu như vậy: “Amor mi disse: Tình yêu nói rằng…”

XXV
Ở đây có thể xuất hiện mối nghi ngờ ở người muốn cho mối nghi ngờ biến mất, vì rằng tôi nói về Tình yêu, bởi vì nếu như nó có sự tồn tại độc lập, mà không phải là một thực thể khôn ngoan, vì rằng Tình yêu không phải là thực thể mà là phẩm chất của thực thể.

Tôi nói về Tình yêu như là một hiện tượng thể xác, thậm chí là như về con người, như đã nói. Tôi khẳng định rằng tôi nhìn thấy nó đi đến, mà theo nhà triết học thì “đi đến” nghĩa là một hành động trong không gian, nên tôi gắn cho nó những đặc tính của cơ thể.

Tôi cũng viết rằng Tình yêu cười và nói; tất cả những gì thuộc về con người, mà đặc biệt là khả năng cười, từ đó mà tôi gắn cho nó các đặc tính của con người. Để giải thích tất cả những điều này, thứ nhất, cần để ý rằng thời cổ đại chưa có các nhà thơ của tình yêu viết bằng ngôn ngữ bình dân, nhưng các nhà thơ viết về tình yêu bằng tiếng Latin; ở ta, mà có thể là các dân tộc khác cũng vậy, thí dụ như người Hy Lạp, đề tài này không bằng ngôn ngữ bình dân mà là các nhà thơ.

Và sau một thời gian, cho đến bây giờ, khi các nhà thơ đầu tiên sáng tác bằng ngôn ngữ bình dân xuất hiện, nghĩa là làm thơ có vần điệu cũng như văn xuôi có vần điệu bằng tiếng Latin, nếu để ý đến sự tương quan giữa tiếng Latin và ngôn ngữ dân gian. Tất cả những điều này xảy ra chưa lâu, bởi vì nếu ta đi tìm những ví dụ ở tiếng Provence hay tiếng Italia, thì sẽ không tìm thấy những tác phẩm thơ được viết sớm hơn 150 năm về trước.

Nguyên nhân của điều này là một số kiểu thơ của một số nhà thơ trở nên phổ biến và họ là những người đầu tiên sáng tác bằng tiếng Italia. Người đầu tiên làm thơ bằng ngôn ngữ dân gian đã quyết định như vậy, vì muốn cho các người đẹp, những người không dễ dàng  hiểu thơ Latin, hiểu được thơ của anh ta. Như vậy, cần khiển trách những người làm thơ có vần điệu bằng ngôn ngữ dân gian không về đề tài tình yêu mà về đề tài khác, vì rằng thơ ca bằng ngôn ngữ dân gian trước hết là để dành cho những bài hát của tình yêu. Và vì rằng các nhà thơ cần có được sự tự do nhiều hơn là những người viết văn xuôi nên những người làm thơ có vần điệu bằng ngôn ngữ dân gian là các nhà thơ xứng đáng có được sự tự do nhiều hơn những kẻ khác. Các nhà thơ hướng tới những vật vô tri như là chúng cũng có tình cảm và trí tuệ, bắt chúng nói lên không chỉ những gì thực tế mà còn nghĩ ra, họ khẳng định rằng một số hiện tượng biết nói như những thực thể hay con người. Từ đó, ta thấy rằng nhà thơ có quyền xử sự sao cho ý nghĩ có được sự giải thích bằng văn xuôi.

Các nhà thơ sử dụng sự tự do được nhắc đến trên đây, một ví dụ từ Virgil, nói rằng nữ thần Juno, vốn ghét người Trojan, nói với Aeolus, chúa tể của gió, ở bài ca thứ nhất của “Aeneid”: “Aeole, namque tibi: Aeole, đấy là ngươi”, và câu trả lời là: “Tuus, o regina, quid optes, explorare labor: mihi jussa capessere fas est: Tất cả những gì ngươi đòi hỏi, thưa nữ hoàng, – là việc của ngươi, còn việc của tôi – là thực hiện điều sai khiến”. Nhà thơ đã bắt vật vô tri nói với sinh vật trong bài ca thứ III của “Aeneid”: “Dardanidae duri: Những người Tơ-roa (Dardanidae) kiên cường”.

Trong trường ca của Lucana, sinh vật nói với vật vô tri: “Multum. Roma, tamen debes civilibus armis: Ô, Roma, dù sao thì ngươi có nghĩa vụ rất nhiều với nội chiến”.

Trong thơ của Horace thì con người xưng hô với môn khoa học của mình bằng những lời như là để nói với con người vậy. 

Phong cách này không chỉ của Horace – ông trích dẫn Homer trong tác phẩm “Thi ca” của mình: “Dic mihi, Musa, virum: Ôi, Nàng thơ hãy nói cho ta biết về người chồng”.

Ovid bắt Tình yêu nói như là một sinh vật trong phần đầu cuốn sách của mình có tên là “De Remediis Amoris: Phương tiện của Tình yêu”, mà cụ thể là ở câu: “Bella mihi, video, bella parantur, ait: Giọng nói: “người ta chuẩn bị đánh nhau với ta”.

Hãy để cho những ví dụ trên đây sẽ xua tan mối nghi ngờ ở những kẻ còn nghi hoặc một số chỗ trong cuốn sách nhỏ của tôi. Nhưng để cho những kẻ vô học không tỏ ra dũng cảm, tôi xin khẳng định rằng các nhà thơ không hề nói mà không có cơ sở, họ làm thơ không phải không nhận thức được rằng họ muốn thể hiện điều gì. Tôi và người bạn đầu tiên của mình biết rõ những ai làm thơ dại dột và thiếu suy nghĩ.

XXVI
Cô nương cao thượng nhất, người đã được nói đến ở những bài thơ trên đây, đã giành được mối thiện cảm của mọi người, mỗi khi nàng đi trên đường phố thì người ta đều chạy đến để được nhìn thấy nàng, khi đó một niềm vui dâng lên giữa lồng ngực của tôi. Khi nàng đến gần một ai đó thì con tim của người này đập mạnh, làm cho người này không dám ngước nhìn hay trả lời câu chào của nàng, điều này nhiều người đã chứng kiến, cả những người từng không tin câu trả lời của tôi.

Bao trùm một vẻ dịu hiền và trong bộ áo quần khiêm tốn, giản dị, nàng đi trên đường không hề tỏ ra một chút gì là kiêu hãnh. Nhiều người đã nói về nàng như vậy: “Nàng không phải là phụ nữ mà là một trong số những thiên thần đẹp nhất”. Còn một số người khác thì nói: “Đấy là điều kỳ diệu, ơn Chúa Trời đã sáng tạo ra một điều kỳ diệu”.

Tôi vẫn nói rằng nàng cao thượng nhường ấy, rằng có rất nhiều người nhìn thấy nàng cảm nhận được sự hân hoan và diễm phúc mà họ không thể nào diễn tả được. Không ai nhìn thấy nàng mà không thở dài, phẩm hạnh của nàng lan tỏa đến tất cả.

Suy nghĩ về điều này và mong muốn tiếp tục ca ngợi nàng, tôi quyết định làm những bài thơ để cho cả những người nhìn thấy nàng cũng như những người khác biết đến nàng qua sự thể hiện của ngôn ngữ. Khi đó, tôi viết bài sonetto sau đây, bắt đầu bằng: “Tanto gentile

Rất cao thượng và rất chi khiêm tốn
Nàng cúi mình như Đức Mẹ đồng trinh
Tôi đứng gần luống cuống và lặng im
Chỉ đôi mắt liếc nhìn không bạo dạn.

Nàng bước đi, nghe theo niềm vui sướng
Và thân hình, vẻ thuỳ mị hiền ngoan
Và tôi ngỡ như từ chốn thiên đàng
Hình bóng kia cho cõi trần gửi xuống.

Nàng mang đến niềm vui cho đôi mắt
Được gặp nàng lòng rộn rã hân hoan
Ai không biết, không thể hiểu được rằng

Có vẻ như từ đôi môi bay đến
Hồn Tình yêu tràn ngập cả trái tim
Nói: “Thổn thức đi…” và thổn thức trong lòng.

Những gì được kể trong bài sonetto này là dễ hiểu và không cần chia ra các phần. Và tôi xin nói rằng cô nương của tôi giành được mối thiện cảm của mọi người đến mức họ không chỉ khen ngợi và quí trọng nàng mà còn nhờ điều này, những cô nương khác cũng được ngợi khen và được quí trọng. Nhìn thấy điều này, tôi muốn cho những người không nhìn thấy nàng biết được qua thơ, và tôi bắt đầu viết bài sonetto thứ hai, bắt đầu bằng: “Vede perfettamente onne salute”, bài thơ này nói rằng phẩm hạnh của nàng đã lan tỏa đến những người khác và tất cả đã rõ ràng trong các phần.

Ai nhìn sang con người hoàn hảo nhất
Nhìn một cô nương giữa những cô nương
Thì người đó có được sự vui mừng
Mang ơn huệ mà Chúa Trời ban phát.

Vẻ thanh khiết toát ra từ ánh mắt
Không một ai biết đến sự hờn ghen
Mà cô nương có được sự đồng tình
Nhờ tình yêu và lòng tin giành được.

Tất cả trước nàng nhún nhường, khiêm tốn
Nhưng vinh quang nàng không giữ cho mình
Mà cho mọi người vinh quang ban tặng.

Và ánh sáng của việc làm tỏa sáng
Rằng nếu như có ai đó nghĩ suy
Về tình yêu, không thể không xúc động.

Bài sonetto này có ba phần: ở phần một tôi nói rằng cô nương của tôi tỏ ra đặc biệt giữa mọi người; ở phần hai tôi nói về sự tác động của nàng đến những người có mặt; ở phần ba: sự lan tỏa đến những người khác. Phần hai bắt đầu bằng: “quelle que vano: Thì người đó..”; phần ba: “E sua bieltate: Vẻ thanh khiết..”.

Phần cuối cùng có ba phần nhỏ: thứ nhất, tôi nói về sự tác động trực tiếp đến các cô nương; thứ hai, sự tác động gián tiếp đến những người khác; thứ ba, tôi nói về sự ảnh hưởng của nàng đến không chỉ các cô nương mà đến tất cả mọi người, không chỉ là những người ở gần nàng. Phần hai bắt đầu bằng: “La vista sua: Tất cả trước nàng nhún nhường..”; phần ba: “Ed è ne li atti: Và ánh sáng ..”.

XXVII
Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ về điều mà tôi đã nói về cô nương của tôi ở hai bài sonetto trước. Thấy rằng trong ý nghĩ của mình tôi chưa nói rằng nàng đã tác động đến tôi, nên tôi nghĩ rằng như vậy thì chưa đầy đủ. Bởi thế, tôi quyết định viết bài thơ về điều này. Nghĩ rằng tôi sẽ không nói hết ý trong một bài sonetto ngắn ngủi nên tôi đã viết bài canzone, bắt đầu bằng: “Sì lungiamente”

Tình yêu làm tôi mệt mỏi rất lâu
Vì quyền lực của tình yêu khuất phục
Như từng rung động với tình ngày trước
Để con tim giờ đây vẫn ngọt ngào.

Tình đã xua hết dũng khí trong tôi
Dù tình cảm rụt rè và yếu đuối
Nhưng trong lòng tôi ngọt ngào quá đỗi
Dù vẻ tái tê bao phủ quanh người.
Quả thực, tình yêu đã chiếm hồn tôi
Lòng thổn thức cứ mỗi ngày mỗi mạnh
Và kêu cứu không thôi
Cô nương của tôi – người che chở cho tôi
Nàng vội vàng ban cho tôi cứu rỗi
Quả thực với tôi – điều đó tuyệt vời.


XXVIII
Quomodo sedet sola civitas plena populo! facta est quasi vidua domina gentium: Kìa thành phố một thời nhộn nhịp! Nay thưa người đơn chiếc đìu hiu!”

Tôi vừa mới bắt đầu bài canzone và kịp kết thúc khổ đầu đã nêu trên thì Chúa tể của sự Công bằng kêu gọi cô nương cao thượng nhất chia sẻ niềm vinh quang dưới biểu tượng của Đức mẹ Maria, cái tên này được ca tụng trong những lời của Beatrice.

Không phủ nhận một điều rằng cần nói về chuyện nàng đã ra đi, nhưng tôi sẽ không nói ở đây vì ba nguyên nhân: thứ nhất, bởi vì điều này không nằm trong dự định của tôi, đã rõ ràng nếu xem phần mở đầu của cuốn sách nhỏ này; thứ hai, nếu như tôi có nói về điều này thì tôi cũng không thể kể được như cần có; thứ ba, giá như không có hai nguyên nhân đầu thì tôi sẽ đi ca ngợi chính mình, là điều không xứng đáng; bởi thế, tôi để lại đề tài này cho người khác.

Bởi vì, con số chín thường gặp trong những lời của tôi trước đây, tôi ngỡ đây là con số có ý nghĩa lớn, bởi thế cần nói ở đây những gì đúng với dự định. Bởi thế, trước khi nói về vai trò của con số chín, cần dành cho nó một vị trí tôn kính.

XXIX
Tôi nói rằng, nếu theo cách tính Ả Rập, thì linh hồn cao thượng nhất bay lên trong giờ thứ nhất ngày thứ chín trong tháng; còn theo cách tính ở Syria thì linh hồn ra đi trong tháng thứ chín của năm, vì tháng đầu tiên Tisirin ở ta gọi là tháng Mười; còn theo cách tính ở ta thì linh hồn ra đi khi con số hoàn hảo thực hiện chín lần trong thế kỷ, mà nàng thuộc về Thiên Chúa của thế kỷ 13 (1290).

Nguyên nhân của sự yêu thích con số chín có thể là: theo Ptolemy và chân lý của Thiên Chúa thì số chín – là số của những hành tinh chuyển động, mà theo ý kiến chung của các nhà thiên văn thì những hành tinh này ảnh hưởng đến thế giới này trong sự gắn bó mật thiết, từ đó có thể thấy con số này là thuộc tính, vì tất cả chín hành tinh ở trong sự gắn kết hoàn hảo.

Một trong các nguyên nhân là con số này vốn có như vậy, tôi nói về sự tương đồng như tôi hiểu. Con số ba là nguồn gốc của số chín, không cần đến những con số khác, số ba làm ra số chín, vì rằng đã rõ ràng – ba lần ba là chín.

Như vậy, nếu số ba có khả năng sinh ra số chín thì điều kỳ diệu ở trong mình – Ba ngôi, nghĩa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh linh – ba trong một, từ đó mà đi đến kết luận là số chín đồng hành với cô nương, rằng nàng là số chín, nghĩa là điều kỳ diệu, mà nguồn gốc của điều kỳ diệu này là sự thống nhất của Ba ngôi.

Có thể, trong ý nghĩ của mọi người có những chứng cứ phức tạp hơn thế, nhưng tôi đưa ra chứng cứ mà tôi ưa thích hơn cả.

XXX
Sau khi nàng từ giã thế gian này, thành phố quê hương trở thành người góa phụ, đánh mất hết mọi ưu điểm của mình. Xuất phát từ những giọt nước mắt trên thành phố tiêu điều, tôi viết gửi những lãnh chúa câu lấy từ lời của Jeremiah: “Quomodo sedet sola civitas: Ôi, thành phố một thời nhộn nhịp”.

Và tôi nói điều này để cho khỏi ngạc nhiên, tại vì sao tôi dẫn câu này ở phần đầu như là sự dẫn nhập vào nội dung mới. Và nếu như ai đấy cho rằng cần quở trách tôi vì tôi không đưa ra ở đây những lời tiếp theo sau đấy thì tôi xin thanh minh rằng từ đầu tôi đã quyết định viết bằng ngôn ngữ đại chúng. Đấy cũng là ý kiến của người bạn đầu tiên của tôi, và tôi viết cho người này chỉ bằng ngôn ngữ đại chúng.

XXXI
Ngày lại ngày đôi mắt của tôi tuôn những dòng nước mắt và mệt mỏi đến mức không thể vơi được nỗi đau khổ. Khi đó, tôi nghĩ rằng để cho vơi đi đau khổ, tôi sẽ viết thành lời. Tôi quyết định viết bài canzone, khóc về người đã làm tan nát cõi lòng tôi. Tôi mở đầu bài canzone bằng: “Li occhi dolenti per pietà: Đôi mắt rã rời..”. Và để bài canzone này khi kết thúc sẽ an ủi người góa phụ cô đơn, tôi đem chia nó trước khi viết tiếp, tôi sẽ làm như vậy từ đây.

Tôi nói rằng bài canzone đau khổ này có ba phần: phần một dùng để mở đầu; phần hai tôi nói về cô nương của tôi; phần ba về nỗi đau khổ. Phần hai bắt đầu bằng: “Ita n´è Beatrice: Beatrice đã ở giữa trời xanh..”; phần ba: “Pietosa mia canzone: Bài thơ cay đắng của ta..”

Phần một chia làm ba phần: thứ nhất, tôi giải thích điều gì khiến tôi nói ra; thứ hai, tôi nói về người mà tôi hướng đến; thứ ba, về người mà tôi muốn kể.

Sau đó, khi tôi nói: “Ita n´è Beatrice” – tôi nói về nàng ở hai phần: đầu tiên, tôi chỉ ra nguyên nhân mà nàng đã ra đi, sau đó – là mọi người khóc lóc vì sự ra đi này; phần này bắt đầu như vậy: “Partissi de la sua: Linh hồn giã từ thân thể..”.

Phần này chia làm ba: thứ nhất, tôi nói về những người không khóc nàng; thứ hai, về những người khóc nàng; thứ ba, về tình trạng tinh thần của tôi. Phần hai bắt đầu như vậy: “ma ven tristiza e voglia: Nhưng thổn thức, đau buồn..”; phần ba: “Dannomi angoscia: Ôi đắng cay, nghiệt ngã..”

Khi tôi nói: “Pietosa mia canzone” – thì là về chính bài canzone, chỉ ra những cô nương mà tôi muốn bài canzone hướng đến rồi ở lại cùng với họ.

Đôi mắt rã rời, con tim đau khổ
Một nỗi buồn vây lấy cả hồn tôi
Sự nghiệt ngã khôn nguôi
Không thể nào chối bỏ.
Cứ mỗi ngày cần ngôn từ giúp đỡ
Cho khỏi hướng về cái chết không thôi.
Nhưng bây giờ tôi bỗng nhớ ra
Những ngày, khi nàng còn ở với chúng ta
Hỡi những cô nương
Thơ tôi hướng về quí cô nương đó
Để cho lời tôi nghe ra tất cả
Tôi muốn khóc về một người
Hồn đã trú ẩn trên trời
Tình yêu giờ với tôi buồn bã.

Beatrice đã ở giữa trời xanh
Nơi những thiên thần trong thái bình
Nàng giã từ ta là vì họ
Không phải vì băng giá
Hay vì nóng bỏng như người ta
Mà vì tính tình hòa nhã
Vì sự khiêm tốn nhún nhường
Và đức hạnh tỏa sáng chốn cao xanh
Đức Chúa Trời ước mong
Gọi nàng về xứ sở
Xứ sở của mình.
Vì ở chốn cao xanh
Ngài đã nhìn thấy rõ
Đức hạnh của nàng.

Linh hồn giã từ thân thể
Vẻ duyên dáng yêu kiều
Về nơi muôn đời sáng sủa
Ai không thổn thức về nàng
Thì người này con tim bằng đá
Là linh hồn dối gian
Vẻ thanh khiết không hề sáng tỏ
Không nhận ra bóng dáng của nàng
Nên không hề nức nở!
Nhưng thổn thức, đau buồn
Gọi cái chết vì đời đau khổ
Là người nhận ra muôn thuở
Linh hồn của người từ giã
Đi về chốn thanh bình.

Tôi đắng cay, nghiệt ngã
Khi ý nghĩ đè lên
Ý nghĩ về người làm nặng trĩu con tim
Và tôi gọi về cái chết
Tôi cảm nhận ra điều khát khao dịu ngọt
Nét mặt của tôi bỗng đổi thay
Nhưng một ước mơ đến đây
Và cảm nhận ra điều bất hạnh
Tôi đánh mất can đảm vì luống cuống
Và nét mặt lại đổi thay
Vẻ xấu hổ từ trong đôi mắt ai
Nhưng chỉ trong cô đơn nức nở
Tôi nói cùng Beatrice: “Em đã không còn!”
Và nghe ra câu trả lời từ phía trời xanh.

Tiếng thở dài nức nở, đau buồn
Không từ giã từ phía sau lưng
Mỗi ánh nhìn đều ước mong phận số
Cuộc đời tôi kể từ khi từ giã
Em đi về thế giới bên kia
Tôi không còn biết nói lời
Muốn nói mà bỗng nghẹn
Hỡi những cô nương, vì thế mà tôi câm nín
Thật cay đắng quá, cuộc đời tôi
Tôi đã đánh mất niềm vui
Và tôi ngại với những ai gặp gỡ
Vì nhìn ra vẻ tội nghiệp của tôi
Chỉ một người từ trời xanh nhìn thấy
Và tôi mong: hạnh phúc và cứu rỗi.

Bài thơ cay đắng của ta hãy lên đường
Đi về nơi những cô nương tươi trẻ
Họ là những người chị
Mang lại niềm vui đã quen
Và ngươi – số phận của đau thương
Hãy lên đường cùng với họ.

XXXII
Khi bài canzone này viết xong, có một người đến với tôi, người này là người bạn thứ hai của tôi, tiếp sau người thứ nhất. Người này là người bà con gần gũi với cô nương của tôi. Sau một hồi trò chuyện với tôi, người này nhờ tôi viết một bài thơ về một quí bà đã chết, lời của người này đau thương làm cho người ta nghĩ rằng anh ta đang nói về một người phụ nữ khác cũng đã chết. Sau đó tôi đã hứa là sẽ viết bài thơ theo yêu cầu.

Suy nghĩ về chuyện này, tôi quyết định viết bài sonetto với những tình cảm sao cho nó được viết dành cho người yêu cầu. Tôi viết bài thơ bắt đầu bằng: “Venite a intender li sospiri miei: Hãy đến mà nghe những lời đau khổ..”. Bài thơ gồm hai phần: ở phần một, tôi kêu gọi những người chung thủy với Tình yêu; ở phần hai, về lòng thương xót. Phần hai bắt đầu như vậy: “li quai disconsolati: Khi con tim nằm trong ngực..”

Hãy đến mà nghe những lời đau khổ
Những con tim hạnh phúc gọi nỗi buồn
Khi con tim nằm trong ngực lặng im
Tôi có lẽ chết đi và đau khổ.

Thứ thuốc khác đem về không thể chữa
Đôi mắt tôi cháy lên nỗi buồn thương
Mệt vì nước mắt tuyệt vọng chán chường
Chúng giờ đây sống bằng con tim trẻ.

Lời kêu gọi của lòng tôi không chỉ
Một lần đâu mà đến mãi muôn đời
Chỉ một người xứng đáng với tình thôi.

Và từ đấy một mình tôi thơ thẩn
Cõi lòng tôi tràn ngập nỗi buồn thương
Tôi đánh mất niềm cứu rỗi của mình.

XXXIII
Khi viết xong bài sonetto này, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc bài thơ này viết để cho ai, mang tên ai. Khi đó tôi hiểu rằng công việc của tôi còn quá ít, vì rằng tôi viết cho cái người có quan hệ thân thiết với cô nương của tôi. Bởi thế, trước khi đưa bài sonetto cho người này, tôi viết thêm hai khổ của bài canzone: một dành cho người này và một cho chính mình, mặc dù, nếu không để ý kỹ thì cả hai người giống như một người, nhưng ai đi sâu vào ý nghĩa sẽ thấy những người khác nhau; một người không gọi quí bà này là cô nương của mình, còn người kia – gọi như ai cũng đã biết.

Tôi trao cho người bạn bài sonetto và bài canzone và nói rằng chúng được viết cho người này. Bài canzone bắt đầu bằng: “Quantunque volte: Than ôi, mỗi khi tôi nhớ lại..” và bao gồm hai phần: phần một, nghĩa là khổ thứ nhất, thể hiện nỗi đau thương của người bạn tôi, người bà con gần gũi của cô nương tôi; phần hai là tiếng khóc của tôi, bắt đầu bằng: “E´ si raccoglie ne li miei: Và tôi nghe lời thổn thức..”. Như vậy, đã rõ ràng là trong bài canzone này có hai người thương tiếc: một người như người anh trai, người kia – như kẻ nô lệ.

Than ôi, mỗi khi tôi nhớ lại
Rằng không còn nhìn thấy nữa bao giờ
Cô nương từng làm hồn tôi mệt mỏi
Nỗi buồn trong tim tôi cảm nhận ra
Đầu óc tôi đớn đau, tê dại
Tôi hỏi: “Hồn ơi, liệu có chờ
Nỗi dày vò và đau khổ tiếp
Trong những ngày cay nghiệt
Mà ta đang sống đây…”
Và tôi gọi tên cái chết
Là nơi trú ẩn ngọt ngào
Tôi nói: “Hãy đến đây!”
Tôi ghen tỵ với những người đã chết.

Và tôi nghe lời thổn thức
Tiếng vọng nỗi buồn tôi
Cái chết kêu lên và tìm kiếm không thôi
Ước mong của tôi hướng về Cái chết
Sau đó vòng đời
Ánh lên những đường nét tuyệt vời
Của vẻ đẹp
Rót xuống từ trên trời
Ánh sáng của tình yêu, những thiên thần chào đón
Những trí tuệ cao siêu
Kinh ngạc trước con người cao thượng.



CHÚ THÍCH

XXIV
1. Khi đó tôi nhìn thấy một trong những gương mặt của Tình yêu.. – Đây đã là mức độ thứ ba của sự suy tưởng. Từ đây đối tượng của sự suy tưởng đã không còn ở bên ngoài ta, hay ở trong ta, mà đã là ở trên ta (Xem chú thích chương III, 2).

2. Cô nương này có tên là Giovanna, nhờ sắc đẹp của nàng mà người ta nói rằng nàng được mang tên Primavera, và người ta gọi nàng như vậy… – Câu này tương xứng với câu ở chương I: “… khi trước mắt tôi lần đầu tiên xuất hiện người con gái quang vinh của lòng tôi, nhiều người vẫn gọi tên nàng là Beatrice mà không biết rằng cần phải gọi tên nàng như vậy”.

3.  Primavera tiếng Italia nghĩa là mùa xuân. Nàng đi đến đầu tiên (prima verra) là cách hiểu theo ý của Dante.

4… vì rằng cái tên Giovanna kia đi trước ánh sáng thật… – Ánh sáng thật là Jesus Christ, chữ dùng của Giăng trong Kinh Phúc Âm: “Ánh sáng thật này đã đến trần gian soi sáng mọi người”. (Giăng, I, 9). Dante muốn nói rằng Giovanna đối với Beatrice cũng như Jesus Christ đối với Giăng.

5. Ego vox clamantis in deserto: parate viam Domini  – Đây là câu nói của Giăng đáp lời người Do Thái khi họ hỏi ông là ai. (Ta là tiếng vang, kêu lên nơi đồng hoang. Đắp thẳng con đường Chúa. (Giăng, I, 23).

6. Câu thơ: Cô nương Vanna, cô nương Bice – Vanna, lối rút gọn của Giovanna; Bice – của Beatrice.

XXV
1… nhà triết học – Ở đây nghĩa là Aristotle.
2. Khái niệm “ngôn ngữ bình dân” hay “ngôn ngữ dân gian” nghĩa là tiếng Italia, khác với tiếng Latinh vốn được coi là “ngôn ngữ bác học”.

3. Tất cả những điều này xảy ra chưa lâu… – Thơ ca bằng tiếng Italia chỉ xuất hiện trước Dante mấy chục năm.

4… vì rằng thơ ca bằng ngôn ngữ dân gian trước hết là để dành cho những bài hát của tình yêu… – Quan điểm này của Dante về sau có sự thay đổi.

XXVIII
1. “Quomodo sedet sola civitas plena populo! facta est quasi vidua domina gentium: Kìa thành phố một thời nhộn nhịp! Nay thưa người đơn chiếc đìu hiu!” – Những câu mở đầu của Sách Ai Ca. Thành phố mà Dante nói đến là Firenze (Florence).

2. Không phủ nhận một điều rằng cần nói về chuyện nàng đã ra đi, nhưng tôi sẽ không nói ở đây vì ba nguyên nhân… – Có thể Dante cho rằng cái chết của Beatrice đã từng được mô tả trước đây.

XIX
1… nếu theo cách tính Ả Rập… – Dante biết đến lịch Ả Rập qua bản dịch ra tiếng Latinh tác phẩm của al-Farghani (798 - 861).

2… nàng thuộc về Thiên Chúa của thế kỷ 13… Nếu đem những dữ kiện này tính ra thì Beatrice mất đêm mồng 8 sang ngày mồng 9 tháng 6 năm 1290.

XXX
1… thành phố quê hương trở thành người góa phụ – Đây là thành phố Firenze.

2. “Quomodo sedet sola civitas”    Xem chú thích 1, chương XXVIII.

XXXI
1. Hình tượng “người góa phụ cô đơn” được Dante mượn từ Sách Ai Ca của Kinh Thánh.

XXXII
1. Người này là người bà con gần gũi với cô nương của tôi.. – Người này có thể là anh trai của Beatrice.